Robot Trung Quốc chụp ảnh kỷ niệm 100 ngày trên sao Hỏa

  •  
  • 596

Robot tự hành Chúc Dung gửi về ảnh chụp toàn cảnh khu vực xung quanh ở đồng bằng Utopia Planitia trên sao Hỏa.

Các kỹ sư đang chuẩn bị để robot trải qua hơn một tháng ở chế độ an toàn vào mùa thu này. Robot tự hành 6 bánh hoạt động bằng năng lượng mặt trời đã đi được 1.064 m từ khi lăn bánh trên bề mặt hành tinh đỏ hôm 22/5. Nhưng từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, Chúc Dung tàu Thiên Vấn 1 quay quanh quỹ đạo sẽ chuyển sang chế độ an toàn bởi những hạt tích điện từ Mặt Trời sẽ ảnh hưởng tới liên lạc với Trái Đất.

 Pin mặt trời và thiết bị liên lạc của Chúc Dung xuất hiện trong bức ảnh toàn cảnh.
Pin mặt trời và thiết bị liên lạc của Chúc Dung xuất hiện trong bức ảnh toàn cảnh. (Ảnh: CNSA)

Nhằm chuẩn bị cho đợt nghỉ ngắn, Chúc Dung dừng bánh để quan sát khu vực xung quanh bằng camera toàn cảnh. Hình ảnh gửi về cho thấy robot với bộ pin mặt trời và ăngten ở gần một đụn cát mà các nhà khoa học trong nhiệm vụ muốn Chúc Dung phân tích. Một số vật thể xa hơn nằm ở đường chân trời của bức ảnh, bao gồm tấm bảo vệ khi robot hạ cánh. Chúc Dung từng đi qua chỗ bộ phận này rơi xuống vào tháng 7/2021.

Từ khi tiếp đất hôm 14/5 và triển khai hoạt động một tuần sau đó, Chúc Dung đã lăn bánh về phía nam, phân tích nhiều loại đá, đụn cát và các đặc điểm khác. Tàu Thiên Vấn 1 quay quanh quỹ đạo và bay qua Chúc Dung mỗi ngày một lần để truyền dữ liệu về trung tâm điều khiển nhiệm vụ ở Trung Quốc. Đài quan sát Thiên văn học Quốc gia Trung Quốc (NAOC) cũng công bố ảnh chụp từ camera độ phân giải cao của tàu Thiên Vấn 1, ghi lại hành trình của Chúc Dung từ trạm đổ bộ, bao gồm vệt rãnh xe do robot để lại trên mặt đất.

Một nghiên cứu mới về đặc điểm địa chất ở khu vực hạ cánh của Chúc Dung xác định nhiều địa mạo mà các nhà khoa học trong nhiệm vụ muốn tìm hiểu. Theo nghiên cứu, robot sẽ xem xét những gờ cao do gió tạo thành hoặc vùng lõm hình thành do xói mòn, đặc biệt là những hốc lõm bí ẩn. Một trong số mục tiêu chính của nhóm nghiên cứu là sử dụng radar xuyên đất của Chúc Dung để xác định độ dày và phân bố đất gần địa mạo được cho là tạo bởi nước hoặc băng dưới bề mặt. Sự tồn tại của nước có ý nghĩa sâu sắc giúp giới nghiên cứu hiểu rõ lịch sử khí hậu của sao Hỏa cũng như tài nguyên tiềm năng cho nhiệm vụ có người lái trong tương lai.

Cả robot Chúc Dung và tàu Thiên Vấn 1 sẽ tạm dừng hoạt động trong khoảng 1,5 tháng. Hai phương tiên sẽ tự động tiến hành đánh giá tình trạng hoạt động, tự theo dõi và sửa chữa hỏng hóc cho tới khi khôi phục liên lạc.

Cập nhật: 07/09/2021 Theo VnExpress
  • 596