Rùa mai mềm chết ở Trung Quốc, thế giới chỉ còn 3 con cùng loài cụ rùa hồ Gươm

  •  
  • 1.494

Một trong những cá thể rùa mai mềm Dương Tử cuối cùng trên thế giới đã tử vong sau kế hoạch thụ tinh nhân tạo bất thành do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện.

Theo Global Times, cá thể rùa mai mềm Dương Tử cái hơn 90 tuổi đã tử vong tại công viên Sơn Phương ở Tô Châu, Trung Quốc hôm 13/4. Đây là 1 trong 4 cá thể rùa mai mềm Dương Tử cuối cùng trên thế giới. Nó còn có những tên gọi khác như rùa Hoàn Kiếm, rùa mai mềm Thượng Hải...

Trước đó, các nhà khoa học tại vườn thú Sơn Phương dự định cho con rùa cái tham gia thụ tinh nhân tạo, tuy nhiên kế hoạch này đã bị hủy bỏ. Đây là nỗ lực thụ tinh nhân tạo thất bại lần thứ 5 kể từ năm 2008 nhằm bảo tồn loài rùa mai mềm Dương Tử.

Cá thể rùa mai mềm Dương Tử cái được đưa tới công viên Sơn Phương năm 2008.
Cá thể rùa mai mềm Dương Tử cái được đưa tới công viên Sơn Phương năm 2008. (Ảnh: IC).

"Nguyên nhân cái chết của con rùa đang được điều tra và sẽ được Hiệp hội Bảo tồn hoang dã Trung Quốc công bố", công viên Sơn Phương cho biết.

Công viên Sơn Phương mất 24 giờ để cố gắng cứu chữa rùa quý nhưng bất thành. Các nhà khoa học đã tách lấy và bảo quản mô buồng trứng của con rùa để phục vụ các nghiên cứu trong tương lai.

Cái chết của con rùa cái tại công viên Sơn Phương khiến thế giới hiện chỉ còn 3 cá thể rùa mai mềm Dương Tử. Một cá thể đực đang sinh sống tại công viên Sơn Phương, 2 cá thể còn lại chưa rõ giới tính hiện sống tại Việt Nam.

Cá thể rùa mai mềm Dương Tử cái vừa tử vong được chuyển tới Tô Châu từ Công viên sinh thái Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, từ năm 2008. Con rùa này được ghép đôi với một cá thể rùa đực hơn 100 tuổi đã sinh sống từ lâu tại công viên Sơn Phương ở Tô Châu.

Một cá thể rùa mai mềm Dương Tử ở công viên Sơn Phương.
Một cá thể rùa mai mềm Dương Tử ở công viên Sơn Phương. (Ảnh: Liên minh bảo tồn rùa quốc tế).

Với trọng lượng trung bình 115kg, rùa mai mềm Dương Tử nổi bật và dễ bị đánh bắt do kích thước khổng lồ và tốc độ di chuyển chậm của chúng.

Viện Khoa học Trung Quốc cho rằng nạn đánh bắt bừa bãi, môi trường sống bị hủy hoại và các hoạt động của con người đã khiến số lượng loài rùa mai mềm Dương Tử suy giảm nhanh chóng. Việc không được đưa vào danh sách các loài sinh vật bị đe dọa năm 1989 cũng là nguyên nhân khiến loài rùa mai mềm Dương Tử bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng.

Cập nhật: 16/04/2019 Theo Zing
  • 1.494