Rùng mình với thí nghiệm tạo linh hồn

  •   3,86
  • 28.297

Năm 1972, các nhà khoa học tiến hành một thí nghiệm mang tên: “Thí nghiệm Philip”. Kể từ đó đến nay, thí nghiệm này vẫn là một lời thách đố các nhà khoa học.

“Thí nghiệm Philip” - thí nghiệm tạo linh hồn

Nếu như bạn đã từng xem các bộ phim như The Apparition hay The Quiet One, bạn sẽ ít nhiều sợ hãi vì những bộ phim đó đều mang tới thông điệp rằng: Chỉ cần bạn tin vào chúng, nghĩ về chúng, những hồn ma sẽ đến bên bạn.

Tuy nhiên, chắc bạn sẽ còn hoảng sợ hơn nữa khi biết rằng điều này tuy còn gây nhiều tranh cãi nhưng đã từng được kiểm nghiệm là đúng vào năm 1972 trong một thí nghiệm có tên: “Thí nghiệm Philip”.

Rùng mình với thí nghiệm tạo linh hồn

Vào thập niên 1970, một nhóm các nhà cận tâm lý học Canada đã nảy ý tưởng tạo ra một linh hồn nhằm chứng minh giả thuyết tâm trí con người có thể tạo ra những thực thể siêu tự nhiên thông qua các kỳ vọng, trí tưởng tượng và hình dung.

Các thành viên của nhóm thí nghiệm đã đề xuất ý tưởng là cùng nhau tập trung xây dựng một nhân vật tưởng tượng sau đó cố gắng để giao tiếp với “nó” thông qua một buổi gọi hồn. Nhân vật được tạo ra có tên Philip Aylesford, được gọi tắt là “Philip” trong thí nghiệm.

Philip sinh năm 1624 tại Anh, đi lính từ sớm và được phong tước khi mới 16 tuổi. Ông đã tham gia cuộc Nội chiến Anh và trở nên thân thiết với vua Charles II, thường được vua cử đi làm gián điệp.

Rùng mình với thí nghiệm tạo linh hồn

Không lâu sau, Philip kết hôn với Dorothea nhưng cuộc hôn nhân này của ông không có hạnh phúc. Trong lúc chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống, Philip đã "phải lòng" một cô gái Digan nhưng cô lại bị cáo buộc là phù thủy và bị buộc thiêu sống. Tuyệt vọng, Philip tự tử năm 1654 khi mới 30 tuổi.

Vào năm 1972, tại Toronto (Canada), dưới sự hướng dẫn của tiến sỹ Owen - chuyên gia về quỷ học, họ đã tiến hành các thử nghiệm thực tế.

Ban đầu cả nhóm ngồi quanh chiếc bàn trong một căn phòng bình thường nhưng không có điều gì xảy ra. Owen quyết định thay đổi điều kiện thí nghiệm. Ông giảm sáng đèn, dựng các tấm tranh ảnh ở quanh phòng cho giống với những gì họ tưởng tượng về lâu đài nơi Philip sống.

Sau một vài lần thử nghiệm, Philip đã kết nối với thế giới. Ông không biểu hiện ở dạng linh hồn hay những bóng ma quái dị mà chỉ trả lời các câu hỏi của nhóm thông qua những tiếng gõ bàn, nếu có tiếng gõ là đúng, không có gì là sai hoặc không trả lời.

Philip đã trả lời đúng toàn bộ các câu hỏi về tiểu sử “hư cấu” của mình nhưng không trả lời thêm bất cứ điều gì khác. Tiến sỹ Owen không công nhận kết quả này và cho rằng, chính hiện tượng “vô thức tập thể” - một hiện tượng xảy ra do sự kỳ vọng của những người tham gia đã khiến tay họ di chuyển và gõ một cách vô thức.

Không từ bỏ, nhóm nhà khoa học tiếp tục thực hiện các buổi gọi hồn tiếp theo. Thật không ngờ, một loạt các hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra mà chưa ai có thể giải thích bằng khoa học.

Philip bắt đầu khiến chiếc bàn nghiêng ngả, trượt từ bên này qua bên kia hoặc thậm chí bay lên. Một vài lần chiếc bàn còn đuổi theo một số người trong phòng… khi rõ ràng là không có ai cố ý kéo hay đẩy.

Những giả thuyết cho hiện tượng kì lạ này

Vào năm 1974, một phiên gọi hồn "hoành tráng" được thực hiện trước sự chứng kiến của 50 người, cùng với đó, cuộc gọi hồn đã được truyền hình trực tiếp cho nhiều người khác cùng xem.

Trong phiên gọi hồn này, các âm thanh phát ra rất rõ, bao gồm cả tiếng gõ và tiếng đập bàn. Đèn hay ánh sáng trong phòng cũng không hoạt động bình thường, liên tục có hiện tượng đèn chớp sáng rồi tắt.

Chưa dừng lại ở đó, tiến sĩ Owen cùng đồng nghiệp còn nghe thấy những tiếng thì thầm rất nhỏ nhưng họ lại không thể tìm thấy tiếng động đó trên băng ghi hình.

Rùng mình với thí nghiệm tạo linh hồn

Rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm lý giải cho hiện tượng này, tuy nhiên vẫn chưa có lời giải nào đủ sức thuyết phục. Trong câu chuyện này, thậm chí không một ai có thể chứng minh được tại sao Philip lại có những hành động như vậy.

Một số người cho rằng, vô thức của chúng ta có thể chịu trách nhiệm cho nhiều loại hình của hiện tượng siêu tự nhiên, trong đó có việc mở cánh cổng tới “thế giới bên kia”.

Mặc dù nhân vật Philip hoàn toàn là hư cấu nhưng những hành động của nhóm Owen có thể đã khiến cho một yêu tinh hoặc linh hồn ác quỷ nào đó có cơ hội chiếm phiên gọi hồn và "giả danh" Philip, gây ra các hiện tượng siêu nhiên bất thường.

Nhiều nhà khoa học khác quả quyết, đây chỉ là một trò lừa bịp. Họ nói rằng, mặc dù được truyền hình trực tiếp nhưng các kỹ xảo điện ảnh không khó để thực hiện. Cùng với đó, không ít các chương trình khoa học tâm linh trước đây đã bị vạch trần là lừa đảo nên thí nghiệm này chưa đủ sức thuyết phục họ.

Rùng mình với thí nghiệm tạo linh hồn

Chiếc bàn rất có thể đã được nối với một vài sợi dây cước mảnh để có thể di chuyển hoặc thậm chí bay lên. Một số đoạn băng ghi hình các buổi gọi hồn tại nhà tiến sỹ Owen được công bố sau này chỉ cho thấy chiếc bàn bị lắc lư hoặc nghiêng hẳn về một bên càng khiến họ củng cố thêm suy luận rằng, nếu không thực hiện kỹ xảo thì rất có thể là hiện tượng “vô thức tập thể” như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, thí nghiệm Philip đã khởi đầu cho một trào lưu nghiên cứu các “linh hồn tưởng tượng”. Mặc dù vẫn gây nhiều tranh cãi nhưng các nhà khoa học lại bắt đầu phải hoài nghi về việc liệu có tồn tại một thực thể siêu tự nhiên được tạo ra từ chính nhận thức của con người? Câu hỏi này cho tới nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Theo Khoahocthuvi.net
  • 3,86
  • 28.297