Các nhà khoa học Việt Nam vừa nghiên cứu và sản xuất thành công loại thuốc diệt ốc bươu vàng từ thực vật không gây hại môi trường và các loài thủy sinh có ích.
Sản phẩm này đã áp dụng tại nhiều địa phương trong cả nước và thu được kết quả khả quan.
Xuất xứ từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam từ 15 năm trước, đến nay, ốc bươu vàng đã trở thành dịch hại lúa và khó phòng trừ nhất ở nước ta. Trung bình mỗi năm, ốc bươu vàng “ăn” hết hơn 200.000ha lúa.
Ngoài lúa, ốc bươu vàng còn hại tảo, rau muống, khoai sọ, trứng và được ví như máy nghiền vì có thể ăn liên tục trong vòng 24 giờ. Đặc biệt, gần đây chúng còn gặm vỏ cây tràm mới trồng gây chết cây ở vùng Đồng Tháp Mười.
Nhiều biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng được ứng dụng nhưng các biện pháp thủ công thì hiệu quả chưa cao, dùng hóa chất ồ ạt thì dẫn đến suy giảm các loài thủy sinh có ích...
Diệt ốc bươu vàng bằng thảo mộc
Nhóm nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật tìm hiểu 28 loại cây có độc tính và lựa chọn 3 ba loài cây sẵn có ở Việt Nam là cây sở, cây chấu và cây thàn mát làm nguyên liệu chính để sản xuất thuốc diệt ốc bươu vàng. Đó là ba sản phẩm BOURBO 8.3 BR và TICTACK 13.2 BR dạng bột khô và CH-01 dạng nước chiết
“Điều quan trọng lúc này không phải và không thể loại bỏ ốc bươu vàng ra khỏi hệ sinh thái mà làm thế nào để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng có hại của chúng và sử dụng chúng vì lợi ích con người” - Tiến sĩ Nguyễn Trường Thành, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Độc tố của ba loại cây này có tác dụng kích thích ốc tiết chất nhờn, dẫn đến mất nước mà chết.
Ba chế phẩm trên đã được sử dụng trên diện rộng tại Đồng Tháp và Lạng Sơn nơi mật độ ốc bươu vàng ở một số huyện như Hữu Lũng, Thanh Bình lên tới 100 - 200 con/m 2 .
Ốc bươu vàng ăn khỏe, mau lớn và có sức sinh sản khủng khiếp. Một con cái đẻ trung bình 2 lần trong 1 tháng, mỗi lần đẻ có thể đạt 500 trứng trong vòng 1 tuần, 2 tháng tuổi đã bắt đầu đẻ trứng và sống tới 4 – 6 năm. Chúng sống ở nhiều nơi có nước như ao, đầm lầy, đầm sen, kênh mương nước, ruộng lúa, chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt như nước bị ô nhiễm, tù đọng, thiếu oxy. |