Sao chổi sáng nhất năm 2021 tan vỡ khi bay qua Mặt trời

  •  
  • 229

Hình ảnh từ các kính viễn vọng cho thấy sao chổi Leonard (C/2021 A1) đã vỡ thành nhiều mảnh khi bay qua Mặt trời.

Sao chổi Leonard trong ảnh chụp vào ngày 28/12/2021.
Sao chổi Leonard trong ảnh chụp vào ngày 28/12/2021. (Ảnh: Michael Mattiazzo)

Sao chổi Leonard bay qua gần Mặt trời nhất ở điểm cận nhật vào ngày 3/1/2022 và hiện nay đang bay xa dần khỏi Mặt trời. Nó không chỉ mờ đi mà còn thiếu hai bộ phận quan trọng nhất là nhân và đầu. Phần sót lại của sao chổi có thể quan sát trên bầu trời buổi sáng từ Nam bán cầu.

Nhà nghiên cứu Gregory Leonard của tổ chức khảo sát thiên văn Catalina Sky Survey tại Tucson, Arizona, phát hiện ngôi sao chổi vào ngày 3/1/2021. Ở thời điểm đó, nó vẫn còn cách xa điểm cận nhật. Leonard dần bay qua quỹ đạo của Trái đất quanh Mặt trời và tiếp đến là sao Kim. Các quan sát ban đầu cho thấy sao chổi Leonard đủ sáng để quan sát bằng mắt thường. Cuối năm 2021, sao chổi Leonard ở gần Trái đất nhất.

Một sao chổi thường nóng lên khi đến gần Mặt trời. Phần nhân chỉ rộng vài kilomet của nó sẽ ấm lên, giải phóng vật liệu bay hơi ở bề mặt là khí và bụi. Vật liệu bốc lên từ nhân tạo thành khí quyển bao quanh nhân gọi là đầu sao chổi.

Vào cuối tháng 11 năm ngoái, sao chổi Leonard trở nên sáng hơn. Khi tiến đến gần điểm cận nhật vào ngày 3/1/2022, độ sáng bắt đầu biến động cách 3 - 5 ngày. Đuôi sao chổi thể hiện cấu trúc phức tạp, có thể do mảnh vụn vỡ ra từ nhân. Vào thời điểm này, các nhà thiên văn rất khó quan sát ngôi sao chổi. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục theo dõi trong lúc nó mờ dần.

Ngày 23/2/2022, nhà nghiên cứu Martin Masek chụp ảnh ngôi sao chổi và ghi nhận nó thiếu nhân đặc ở trung tâm. Các nhà quan sát khác xác nhận sao chổi Leonard giờ đây chỉ còn là vệt mờ. Nhiều khả năng phần nhân rộng 1,6 km của nó đã vỡ ra hoặc bay hơi.

Cập nhật: 23/03/2022 Theo VnExpress
  • 229