Các nhà khoa học phát hiện độ sáng của ngôi sao EPIC 204278916 bất ngờ giảm tới 65% trong 25 ngày liên tục, chứng tỏ nó bị chặn bởi thứ gì đó rất lớn.
Theo News.com.au, các nhà khoa học Đức mới đây phát hiện một ngôi sao có biểu hiện giảm sáng đột ngột tên EPIC 204278916. Trong 78,8 ngày quan sát, ánh sáng của ngôi sao EPIC 204278916 có sự suy giảm bất thường lên tới 65% trong 25 ngày liên tục. Điều này cho thấy, ánh sáng phát ra bị chặn bởi một thứ gì đó rất lớn, tương đương với kích thước của 650.000 sao chổi đường kính 200 km gộp lại.
Viện Vật lý Vũ trụ Max Planck, Đức, bắt đầu quan sát EPIC 204278916 từ năm 2014. Ngôi sao này nằm trong phạm vi nhìn của Kính viễn vọng không gian Kepler thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Ánh sáng của ngôi sao EPIC 204278916 suy giảm bất thường lên tới 65%. (Ảnh: MIC).
Giả thuyết về quả cầu Dyson có thể giải thích hiện tượng sao giảm sáng không phải do nguyên nhân tự nhiên như đám mây bụi hoặc sao chổi. Nhà vật lý Freeman Dyson đưa ra giả thuyết này lần đầu tiên trong một bài báo công bố năm 1960. Ông dự đoán một nền văn minh tiên tiến ngoài Trái Đất muốn tồn tại lâu dài sẽ phải khai thác tối đa năng lượng mặt trời của họ. Do đó, cách để tìm kiếm người ngoài hành tinh là phát hiện những ngôi sao nhấp nháy kỳ lạ.
EPIC 204278916 là một ngôi sao trẻ với độ tuổi chưa đến 11 triệu năm. Nó có kích thước ngang với Mặt Trời nhưng khối lượng chỉ bằng một nửa.
Tuy nhiên, một giả thuyết khác được các nhà nghiên cứu đưa ra là EPIC 204278916 có thể được bao quanh bởi một đĩa bụi bị biến dạng do tác động của những khối tiền hành tinh ở quỹ đạo tròn phía ngoài. Nếu đĩa bụi này nghiêng một góc 57 độ với tầm quan sát của con người, chúng ta sẽ thấy độ sáng ngôi sao biến động lên tới 65%.
Đây không phải là lần đầu tiên con người phát hiện một ngôi sao trải qua hiện tượng giảm sáng đột ngột. Theo Mother Nature Network, tháng 11/2015, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, công bố phát hiện kỳ lạ về ngôi sao KIC 8462852, hay còn gọi là "Ngôi sao của Tabby" thuộc chòm sao Thiên Nga (Cygnus), cách Trái đất khoảng 1.500 năm ánh sáng.
Hơn 20% ánh sáng của ngôi sao KIC 8462852 bị một vật rất lớn cản lại trong thế kỷ qua, khiến nhiều người đặt giả thuyết ngôi sao này đang bị người ngoài hành tinh khai thác quang năng. Nếu một hành tinh cỡ sao Mộc di chuyển ngang qua phía trước ngôi sao, lượng ánh sáng bị cản lại chỉ khoảng 2%.