Các vụ sạt lở đất thường để lại hậu quả rất nặng nề. Câu hỏi đặt ra là tại sao sạt núi, trượt lở đất lại xảy ra, và tại sao chúng ta không thể phòng tránh hiện tượng này?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), sạt lở đất được gây ra bởi sự xáo trộn tự nhiên của một con dốc. Nguyên nhân tự nhiên dễ bắt gặp nhất là do mưa lớn, hoặc hạn hán, động đất hoặc núi lửa phun trào.
Hình động minh họa khi một vụ sạt lở đất xảy ra. (Ảnh: CNA).
Điều quan trọng là sạt lở cũng có thể gián tiếp chịu ảnh hưởng từ các hoạt động của con người, như thay đổi đất đai, phá hủy thảm thực vật trên sườn núi.
Lúc này, chỉ cần một hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra (thường là do mưa lớn), sẽ đóng vai trò kích hoạt hiện tượng sạt lở xảy ra, gây nguy hiểm cho người lưu hành trên đường, người dân địa phương, cũng như làm gián đoạn giao thông.
Nhiều vụ sạt lở đất do con người gây ra có thể tránh được hoặc giảm nhẹ. Chúng thường là kết quả của việc xây dựng các con đường, công trình, canh tác... mà không xử lý đúng tại các sườn dốc, thay đổi các hệ thống thoát nước kém đồng bộ và khoa học.
Mất rừng tự nhiên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở. Nhiều nơi tỷ lệ che phủ của rừng lên tới 70 - 80%, nhưng là rừng tái sinh hoặc rừng trồng, nên không mấy hiệu quả trong việc chống sạt lở, do hệ thống rễ cây không phát triển đủ tốt để giữ nước.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sạt lở đất có thể lan rộng hơn bất kỳ sự kiện địa chất nào khác, và xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới. Ước tính năm 1998 - 2017, sạt lở đất ảnh hưởng đến khoảng 4,8 triệu người, và khiến hơn 18.000 người thiệt mạng.
WHO cho biết, biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng, đặc biệt sẽ gây ra nhiều vụ lở đất hơn, đặc biệt là ở các khu vực miền núi có băng tuyết. Nguyên nhân là khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy, các sườn núi đá có thể trở nên không ổn định hơn dẫn đến sạt lở đất.
Sạt lở đất có thể xảy ra bởi nhiều yếu tố, trong đó có con người. (Ảnh minh họa: Linkedin).
Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), sạt lở đất có thể được phòng tránh thông qua việc lắp đặt các hệ thống máy quan trắc đa thiên tai, từ đó giám sát một số sườn dốc cụ thể.
Tuy nhiên, tính khả thi của phương pháp này còn gặp nhiều hạn chế, bởi như đã nói, sạt lở đất có thể xảy ra ở khắp mọi nơi.
Bởi vậy, phương pháp chỉ hiệu quả đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao và cao. Ngược lại, ở những khu vực có nguy cơ sạt lở thấp, rất thấp, thì cách làm này không hiệu quả vì không biết khi nào mới xảy ra.
Thông thường, các hệ thống quan trắc đắt tiền sẽ được ưu tiên lắp đặt tại một số sườn dốc quan trọng, mà nếu xảy ra sạt lở, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và cơ sở vật chất, như đường cao tốc, gần các trung tâm dân cư lớn...
Còn đối với các sườn dốc tự nhiên ở các vùng nông thôn, miền núi hoang sơ... thì việc dự đoán vẫn là một vấn đề nhức nhối. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam, mà ngay cả các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật... cũng gặp phải.
Theo USGS, các nhóm địa hình có nguy cơ sạt lở cao, gồm khu vực có triền dốc, taluy cao, nhưng không còn (hoặc thưa thớt) thảm thực vật để giữ đất.
Ngoài ra, các khu vực địa chất ghi nhận sự thay đổi kết cấu tự nhiên, như bê tông hóa, chặt cây, thiếu hệ thống thoát nước... cũng là những địa hình có nguy cơ sạt lở cao.