Hiện tượng lũ quét đang ngày càng gia tăng cả về tần suất, cường độ và sức tàn phá tại nước ta, không chỉ ở miền núi mà cả ở các vùng ven biển. Tuy nhiên, việc dự báo, cảnh báo vẫn chưa kịp thời và chính xác.
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng, Viện nghiên cứu khoa học Tài nguyên Môi trường, trường ĐH Công nghiệp TPHCM, lũ quét là hiện tượng thủy văn cộng hưởng với xói mòn, sạt lở đất, đặc biệt nguy hiểm khi có một lượng nước lớn tập trung trên sườn dốc tạo ra dòng chảy có vận tốc lớn chảy xuống phía dưới, nó sẽ quét trôi và tàn phá mọi vật cản trên đường đi.
Lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng tại huyện Mường la, tỉnh Sơn La.
Lũ quét xảy ra bất thường, bất ngờ, rất nhanh. Đỉnh lũ thường xuất hiện từ 3-4 giờ sau khi bắt đầu mưa, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 thời gian truyền lũ thông thường. Tuy xảy ra trong thời gian ngắn nhưng do tính bất thường và dữ dội nên lũ quét để lại hậu quả nặng nề. Vì vậy, khó có thể sử dụng các phương pháp thông dụng hiện có trong tính toán dự báo thủy văn để dự báo, cảnh báo lũ quét sớm, chính xác. Đặc biệt, hiện nay lũ quét không chỉ xuất hiện ở miền núi mà ngay cả vùng ven biển, nơi có độ dốc cao và có cấu tạo lớp đất bề mặt vật liệu bở rời, lớp đất phía dưới lại thấm ít như ở miền Trung.
Theo các chuyên gia về khí tượng thủy văn, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, gánh chịu không ít tác động xấu của thời tiết. Các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Sơn La…, các tỉnh thuộc Tây Nguyên như Đắk Lắc, Lâm Đồng; các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Phước, Tây Ninh, các tỉnh miền núi Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi là những tỉnh có nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét.
GS Lê Huy Bá cho chúng tôi xem kết quả trong suốt quá trình ông cùng cộng sự thực nghiệm, thu thập số liệu, điều tra đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội liên quan tới lũ quét ở một số tỉnh như Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Phước… Ông cho biết, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp hệ thống thông tin địa lý GIS và công nghệ viễn thám, thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét trên địa bàn tỉnh và các vùng trọng điểm.
Một trận lũ quét tại Mù Cang Chải, Yên Bái.
Áp dụng rà soát trên địa bàn 7 huyện của tỉnh Đắk Lắk như Ea Hleo, Krông buk, Cư Mgar… cho thấy, các yếu tố mặt đệm, thảm phủ và địa chất bề mặt dễ biến đổi, nhất là những năm gần đây tình trạng khai thác rừng nguyên sinh, diện tích trồng rừng không đủ bù diện tích rừng bị khai thác, khai hoang đất sản xuất không theo quy hoạch, hệ thống công trình thủy lợi không đảm bảo an toàn.
Tại Quảng Ngãi, theo số liệu điều tra, trong thời gian 30 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khoảng 45 trận lũ quét. Có năm, hệ thống đê Trà Khúc bị vỡ khiến thị xã Quảng Ngãi ngập sâu 8,82m. Nguyên nhân do địa hình chung của tỉnh là vùng đồng bằng nhỏ gắn liền với cửa sông, trũng hơn so với địa hình xung quanh, khai thác, sử dụng đất tùy tiện, phá rừng trồng cây nông, công nghiệp gây xói mòn đất…
Tác động môi trường của lũ quét gây xói mòn, làm các lớp đất màu bị rửa trôi, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, tác động đến hệ sinh thái trên cạn, dưới nước… Lũ quét làm dòng chảy thay đổi căn bản về chất. Đặc biệt ảnh hưởng đến tính mạng con người, thiệt hại tài sản, gia tăng bệnh dịch.
Theo các chuyên gia, xây dựng bản đồ xác định, khoanh những vùng có nguy cơ lũ quét xảy ra, đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tác hại của lũ quét là cần thiết. Số liệu để thực hiện quy trình dự báo, cảnh báo lũ quét gồm các số liệu về các biến đổi khí tượng thủy văn trên lưu vực, sông. Các đặc trưng trạng thái trên lưu vực như diện tích, độ dốc, địa hình, đất đai, thực vật, xói mòn. Các số liệu về mưa gây lũ, bốc, thoát hơi, thấm, ẩm. Khi có các hiện tượng thời tiết như ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới, cần chú ý ngay tới các số liệu về lượng mưa trước và trong thời gian dự kiến…
Cảnh báo và dự báo sớm được xem như một biện pháp đặc biệt quan trọng trong số các biện pháp phi công trình phòng, chống lũ quét và sạt lở đất hiệu quả.