Nỗi oan của Mozart - nhà soạn nhạc thiên tài nhưng yểu mệnh - là gì?
Lịch sử biết đến Wolfgang Amadeus Mozart là một thiên tài soạn nhạc, người đã có thể sáng tác ngay từ khi lên 3. Lịch sử biết Mozart yểu mệnh, khi qua đời ở độ tuổi 35. Và lịch sử cũng ghi nhận Mozart là một kẻ giàu có, sống trong nhung lụa, nhưng lại nghiện rượu cực kỳ nặng.
Hay ít nhất thì đó cũng là những gì các nhà sử học tin tưởng từ trước đến nay, rằng vị thiên tài soạn nhạc này cần đến rượu mạnh để bổ trợ cho khả năng sáng tạo của mình.
Wolfgang Amadeus Mozart - thiên tài soạn nhạc.
Tuy nhiên theo một học giả từ ĐH Phẫu thuật Hoàng gia (London, Anh), thì dường như lịch sử đã nghi oan cho Mozart, và họ đang muốn lấy lại danh tiếng cho ông.
Cụ thể, tiến sĩ Jonathan Noble cho rằng Mozart chỉ là nạn nhân của thói đời thích ghen ghét, "GATO" với thiên tài, và chẳng có bằng chứng nào cho thấy ông nghiện rượu thực sự cả.
Theo Noble, nghiện rượu là chứng bệnh rất hiếm khi xảy ra thế giới các nhà soạn nhạc. "Bạn sẽ chẳng bao giờ viết nổi một bản opera, thính phòng, giao hưởng hay tứ tấu như những gì Mozart đã làm nếu thực sự là một kẻ nghiện rượu" - ông khẳng định.
Luận điểm được đưa ra trong cuốn sách mới của ông: "That Jealous Demon: My Wretched Health", trong đó đưa ra những chứng bệnh thực sự ảnh hưởng tới các nhà soạn nhạc vĩ đại trong lịch sử.
Theo Noble, nghiện rượu là chứng bệnh rất hiếm khi xảy ra thế giới các nhà soạn nhạc.
"Nghiện rượu có thể giúp các nhà thơ thăng hoa, nhưng với âm nhạc thì rất khó" - Noble trả lời Telegraph.
Hơn nữa, theo các bằng chứng được đưa ra, thì rất ít người thực sự mắc bệnh. Mozart, Schubert, Brahms, Beethoven - tất cả đều là các nhà soạn nhạc vĩ đại được cho là nghiện rượu, nhưng không hề có bằng chứng.
"Khi bắt đầu viết, tôi đã phải nghiên cứu về các loại bệnh này, và muốn tìm hiểu lý do thực sự khiến các nhà soạn nhạc thiên tài qua đời. Để rồi rất nhanh thôi, tôi nhận ra rằng chưa từng có ai thực sự chẩn đoán bệnh cho họ. Tất cả chỉ qua lời đồn thôi" - Noble cho biết.
Với trường hợp của Mozart, ông đã mắc nhiều loại bệnh trong suốt cuộc đời: bệnh thận, đậu mùa, viêm họng, viêm amidan, sốt thương hàn... nhưng trong đó không có chứng nghiện rượu.
Thậm chí ông còn tỏ ra nghi ngờ về cái chết của Mozart. Lịch sử ghi nhận Mozart qua đời khi 35 tuổi. Ông được chôn cất sau khi mất 3 ngày, vào năm 1791, nhưng không có cuộc khám nghiệm tử thi nào được thực hiện.
Cũng trong cuốn sách của mình, ông bác bỏ luận điểm 2 nhà soạn nhạc nổi tiếng là Maurice Ravel và Benjamin Britten bị giang mai. Lý do cũng giống như vậy: tất cả đều không có bằng chứng.
Ravel và Britten.
Với Ravel, kết luận ông mắc bệnh chỉ đến từ một y tá. Cô thấy báo cáo xét nghiệm máu của Ravel ở thời điểm sau khi ông qua đời, và chẳng có gì đảm báo xét nghiệm ấy là chính xác. Còn Britten, ông bị hở van tim chứ không phải giang mai.
Nếu như những gì tiến sĩ Noble viết được chứng minh là thật, thì rõ ràng lịch sử đã nợ các thiên tài soạn nhạc nhiều hơn một lời xin lỗi. Và điều đó cũng chứng tỏ rằng lịch sử có thể bị sai lệch đi rất nhiều qua thời gian.