Sẽ có làn sóng đầu tư vào CNTT Việt Nam

  •  
  • 83

Sau Intel, sẽ có nhiều tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, ông Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam và Đông Dương dự báo.

Intel là tập đoàn vừa được cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip bán dẫn tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP).

Ông Phúc nói: “Việc đầu tư của Intel vào Việt Nam đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng CNTT trên thế giới. Dự án nhà máy của Intel đã gây sự chú ‎ý mạnh mẽ và có những tác động cụ thể về chiến lược kinh doanh của các công ty CNTT đa quốc gia khác tại thị trường Việt Nam”.

Theo giấy phép đầu tư, trong giai đoạn 1, Intel sẽ đầu tư 300 triệu USD cho nhà máy hoàn chỉnh sản phẩm đầu cuối từ wafer (ATM). Theo dự kiến, nhà máy đi vào hoạt động vào cuối năm 2008.

Ông Phúc nói: “Trong xu hướng mở rộng thị trường, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực CNTT sẽ tìm đến những địa điểm đáp ứng được nhu cầu về chiến lược và định hướng. Nhìn một cách tổng quan tại thị trường châu Á, CNTT đang phát triển mạnh mẽ tại hai trọng điểm Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, để giảm bớt rủi ro và tìm kiếm thị trường mới, phần lớn các công ty đa quốc gia có chung một công thức: “Trung Quốc + Ấn Độ + 1”.

“Quyết định đầu tư vào Việt Nam gần đây của Intel có thể là cơ hội tốt cho Việt Nam giành lấy vị trí của con số 1 bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ
,” ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, có nhiều lý do khiến cho Việt Nam trở thành một điểm thu hút mới đối với các công ty đa quốc gia về CNTT. Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển nhanh và ổn định, vị trí địa lý chiến lược, chi phí lao động thấp, nguồn nhân lực trẻ và khả năng phát triển của thị trường tốt.

Để chuẩn bị kỹ càng cho làn sóng đầu tư CNTT sắp tới, ông Phúc cho rằng Việt Nam cần phải đào tạo, phát triển nhanh hơn nữa hạ tầng cơ sở về Internet, mở rộng môi trường pháp lý liên quan đến các vấn đề về đầu tư và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải đào tạo nguồn nhân lực để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường.

Bên cạnh đó, theo ông Phúc, Việt Nam cần phải đảm bảo một hạ tầng cơ sở tốt như mức chi phí ổn định, cơ sở pháp lý thuận lợi, môi trường tài chính thông thoáng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải chú trọng khuyến khích mảng đầu tư mạo hiểm. Đây là cơ sở cho việc đào tạo và phát triển chất xám “made in Vietnam” cho ngành CNTT.

“Việt Nam đã có một cây giống tốt nhưng cần phải có một nguồn nước tốt để nuôi dưỡng cái cây đó lớn mạnh”, ông Phúc nhận xét.

Trong khi đó, ông Christophe Desriac, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, nói: “Với 82 triệu dân và khả năng phát triển về CNTT của tuổi trẻ, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với Microsoft. Vì vậy, các lãnh đạo cấp cao của Microsoft luôn quan tâm tới các chương trình hợp tác với Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu giúp thu hẹp khoảng cách số trên toàn cầu theo sáng kiến của Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates”.

Ông Desriac dự báo “trong thời gian tới, sẽ có một số hãng lớn trên thế giới mở nhà máy lắp ráp, kiểm thử tại Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta tiếp cận sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT”.

Ông Desriac nói: “Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển CNTT nhanh nhất trong khu vực. Những năm tới là khoảng thời gian rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc phát triển ngành CNTT”.

Theo đánh giá của ông Desriac, so với một số nước trong khu vực, môi trường đầu tư của Việt Nam khá an toàn trên khía cạnh an ninh. Đây là lợi thế thời cơ để Việt Nam thu hút thêm nhiều đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

“Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong thời gian tới sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành CNTT và truyền thông của Việt Nam. Khi đã là thành viên của WTO, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy yên tâm hơn đối với môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Điều này giống như một thị trường có chứng chỉ quốc tế về đầu tư, đảm bảo cho sự hợp tác phát triển lâu dài với các đối tác tại Việt Nam,” ông Desriac nói.

Trong khi đó, ông Subra Venkatakrishnan, Giám đốc Phần mềm của Công ty IBM Vietnam, nhận định Việt Nam là một thị trường đang nổi, với tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 7-8%/năm, đứng thứ 2 ở châu Á sau Trung Quốc. Việt Nam có một đội ngũ lao động trẻ và năng động, một xã hội ổn định và sự ủng hộ mạnh mẽ trong lĩnh vực CNTT của Chính phủ.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ Thông tin ASEAN lần thứ 5 (TELMIN-5) tổ chức ở Hà Nội vào tháng 9/2005, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đối với Việt Nam, phát triển CNTT và truyền thông được coi là một trong những quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển và là một trong những nhân tố then chốt để phấn đấu thực hiện xóa đói, giảm nghèo.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam xác định CNTT và truyền thông là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, theo ông Venkatakrishnan, lao động Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, đặc biệt các kinh nghiệm làm việc trong môi trường đa văn hóa. IBM giải quyết vấn đề này thông qua việc phát triển môi trường học tập và các chương trình phát triển nghề nghiệp.

IBM bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1938 đến năm 1975. Năm 1993, IBM bắt đầu quay trở lại thị trường Việt Nam và vào năm 1996, IBM thành lập Công ty IBM Vietnam, tập trung vào các dịch vụ công nghệ thông tin. Trong những năm gần đây, doanh thu của IBM tại Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ 30%/năm, cao hơn so với mức trung bình của thị trường.
Theo VnMedia
  • 83