Sét lóe sáng trên miệng núi lửa phun trào ở Nhật

  •  
  • 211

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo người dân tránh xa miệng núi lửa Shinmoedake đang hoạt động, phun nhiều tro bụi và đá nóng.

Núi lửa Shinmoedake ở Kyushu, Nhật Bản, phun trào khiến đá nóng bắn ra, tro bụi bốc lên cao hàng nghìn mét và sét núi lửa xuất hiện, Newsweek hôm 6/4 đưa tin. Shinmoedake thỉnh thoảng phun trào sau khi hoạt động trở lại từ tháng 10/2017.

"Đây là núi lửa hoạt động mạnh nên điều này khá bình thường. Miễn là mọi người nghe theo nhà chức trách địa phương thì không quá đáng lo", Janine Krippner, chuyên gia nghiên cứu núi lửa tại Đại học Concord, nhận xét. Bà cũng cho biết, Nhật Bản khá quen với việc xử lý các đợt phun trào nhỏ nên có thể chuẩn bị tốt cho những tình huống như thế này.

Sét núi lửa
Sét núi lửa.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã cảnh báo người dân tránh xa miệng núi lửa. Đá nóng bắn ra trong quá trình phun trào cũng là một yếu tố gây nguy hiểm. "Những viên đá nóng đến mức có thể thấy chúng phát sáng", Krippner nói. Trong đợt phun trào mạnh hơn năm 2011, đá từ núi Shinmoedake đạt tốc độ gần 140m/s khi rơi xuống đất.

Các chuyên gia còn quan sát được sét núi lửa trong lần phun trào này. Đây vẫn là một hiện tượng bí ẩn vì giới khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác khiến sét núi lửa hình thành. Vệ tinh có thể ghi lại hình ảnh sét lóe lên từ ngoài không gian, giúp nhà khoa học theo dõi các đợt phun trào mới và hướng bay của tro bụi.

Nhóm chuyên gia cũng theo dõi khí SO2 từ núi lửa Shinmoedake. Lượng khí này có thể lên đến hàng trăm tấn mỗi ngày. Việc nghiên cứu khí núi lửa giúp các nhà khoa học nắm được sự thay đổi của đợt phun trào. "Nó cho chúng ta biết về mắc ma sắp phun trào", Krippner giải thích. Mắc ma tạo ra những loại khí khác nhau tùy vào độ sâu. Mắc ma ở sâu sẽ sinh ra nhiều CO2 hơn còn ở nông thì sinh ra nhiều SO2.

Cập nhật: 10/04/2018 Theo VNE
  • 211