Sinh vật lạ dưới lòng Tam giác Bermuda

  •   4,315
  • 36.306

Bên dưới những nguồn nước đen vĩnh cửu của Tam Giác Bermuda, các nhà khoa học vừa phát hiện hàng loạt những sinh vật biển kỳ thú, đa dạng và rất bắt mắt.

Một số loài động vật biển mới có thể giúp làm sáng tỏ hiện trạng của các đại dương trên thế giới. Bắt được những động vật biển cực nhỏ - những phiêu sinh vật, zooplankton - ở độ sâu gần 5.000 mét, và thậm chí đọc cả mã di truyền của chúng trên biển cuồn cuộn sóng, các nhà khoa học đang tiến hành một cuộc tổng kiểm kê đời sống đại dương đã phát hiện nhiều chi tiết mới về vai trò của những sinh thể mỏng manh này trên hai lĩnh vực khí hậu và nguồn thức ăn (từ cá nhỏ cho đến các loài cá voi to lớn).

Clio Pyramida, một loại ốc sên biết bơi.

Clio Pyramida, một loại ốc sên biết bơi (Ảnh: CAND)

Trong số hàng ngàn loài sinh vật bắt được, có khoảng 500 loài đã được lên danh sách, 220 loài đã được phân tích ADN ngay trên tàu Ronald H Brown thuộc Cơ quan Khí tượng và Hải dương quốc gia Mỹ.

Nghiên cứu khẩn trương của các nhà khoa học giúp phát hiện đến 20 loài mới chưa từng được khoa học ghi nhận. Tiến sĩ Peter Wiebe, nhà khoa học lãnh đạo nhóm khảo cứu lần này (thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương Woods Hole, Mỹ), nói: “Chúng tôi lập biểu đồ theo dõi phiêu sinh vật trong biển giống hệt như các nhà thiên văn quan sát các sao trên trời vậy. Thông qua biểu đồ ấy, chúng ta có thể ghi nhận những thay đổi dạng nào - nhân tạo hay tự nhiên - đang diễn ra trong đại dương, nơi cư ngụ rộng lớn nhất trên địa cầu này”.

Chuyến du hành 20 ngày, kết thúc ngày 30/4 vừa qua, là một phần của tham vọng kiểm kê toàn cầu tất cả các loài phiêu sinh vật, theo mong đợi sẽ tăng gấp đôi vào năm 2010 từ 7.000 loài hiện nay. Sáng kiến kiểm kê đời sống những sinh thể biển sẽ giúp làm sáng tỏ một số tiến trình quan trọng của hệ sinh thái toàn cầu, kể cả khả năng axít hóa đại dương tác động trên đời sống sinh thể biển có thể diễn ra.

Đại dương hấp thu rất nhiều carbon từ bầu khí quyển mỗi khi phiêu sinh vật di chuyển lên xuống theo cột nước. Theo một ước tính chưa đầy đủ, 10.000 pound thực vật nổi (phytoplankton) làm mồi cho 1.000 pound phiêu sinh vật nhỏ, rồi chúng tiếp tục làm mồi cho 100 pound phiêu sinh vật lớn, và những con này làm mồi cho 10 pound các loài cá nhỏ (như cá mòi hay cá đối) rồi đến 1 pound cá lớn.

Trong số hơn 1.000 sinh thể đơn lẻ được nhận dạng tại biển, theo Tiến sĩ Wiebe, nhóm chuyên gia hải dương phát hiện có thể có nhiều loài rất mới trong khoa học. Có hàng trăm loài động vật giống như tôm nhưng rất bé nhỏ gọi là copepods (bộ chân kiếm). Nhóm nghiên cứu còn giám định cả 24/48 loài gọi là pteropods (bộ chân cánh), còn gọi là ốc sên biết bơi.

Chuyến khảo sát lần này thu hoạch được những hiểu biết mới về sự đa dạng của phiêu sinh thể keo, thường không tồn sinh khi vướng phải các lưới cá. Trong kho của nhóm nghiên cứu có hơn 120 loài cá, kể cả những con cá đực anglerfish (cá vảy chân) hiếm thấy, chuyên dùng hàm và răng để kết dính với nhau như những loài sống ký sinh, và những con cái to hơn chúng rất nhiều. Cũng có nhiều loài cá lạ như cá rồng đen và một loài cá mới có lẽ nên đặt tên là cá "nuốt chửng vĩ đại”.

Phương Nguyên

Theo CAND.com.vn
  • 4,315
  • 36.306