Số phận 42 con hổ ở Bình Dương: Cho nuôi hay bắt?

  •  
  • 6.842

Số phận 42 con hổ đang được người dân nuôi nhốt công khai ở Bình Dương sẽ được định đoạt ra sao khi mới đây các cơ quan chức năng cho rằng việc nuôi nhốt này là trái phép và có ý tịch thu?

Cứu hộ hay hạm pháp?

Hổ con sinh sản tại Công ty Pacific 
(Ảnh: Quốc Thanh)

Tại Công ty TNHH bia Thái Bình Dương - Pacific (5C ấp Nội Hóa, xã Bình An, huyện Dĩ An - Bình Dương), 24 con hổ thong dong trong chuồng sắt, chẳng hề biết số phận chúng đang gây xôn xao trong dư luận. Đây là số hổ của ông Ngô Duy Tân - giám đốc công ty. Ông Tân cho biết con hổ lớn nhất nặng 300kg và nhỏ nhất, hổ mới sinh được 26 ngày tuổi, là 3kg. Việc nuôi hổ và cho sinh sản được, theo nhiều người, là rất hiếm.

Số hổ trên có nguồn gốc từ đâu? Ông Tân kể: năm 2000, có người đến gạ bán năm hổ con (nặng 2-5kg/con) trong tình trạng bị bệnh, sức khỏe suy kiệt. Ông Tân đã bỏ ra 180 triệu đồng để mua số hổ này. “Tôi mua để nuôi vì nếu không nuôi tốt chúng sẽ chết” - ông nói. Nhưng việc nuôi, giữ hổ là hành vi không hợp pháp? Ông Tân thừa nhận: chính vì biết vậy nhưng nếu không mua lại số hổ kia sẽ chết. Do đó, ông đã có trình báo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương.

Tiếp đó, vào năm 2003, ông Tân mua thêm hai con hổ nữa cũng do người lạ đến bán với giá 35 triệu đồng. Ngoài ra, vào tháng 3-2005, ông Tân cho biết có một người mang đến tặng công ty một con hổ con nặng khoảng 2kg, rất gầy yếu. Đến tháng 1-2005, ông Tân trao đổi với vườn thú Hà Nội một con hổ đực nhỏ để đổi lấy một hổ cái trưởng thành.

Qua bảy năm chăm sóc, từ bảy con hổ ban đầu, đến nay vườn hổ của ông Tân đã sinh nở được 30 con. Trong số đó chỉ nuôi sống được 17 con. Hiện hầu hết số hổ này đã trưởng thành. Nhiều con cái đã sinh thêm con mới.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, hiện tổng đàn hổ mà cơ quan quản lý này nắm được là 42 con, trong đó tại khu nuôi ở Công ty Pacific là nhiều nhất, 24 con.

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược

Ngày 13-10-2006, cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn) ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra cơ sở nuôi hổ trái phép tại Công ty Pacific. Tại biên bản kiểm tra ngày 18-10-2006, đoàn kiểm tra do ông Đoàn Minh Tuấn - phó cục trưởng Cục Kiểm lâm - làm trưởng đoàn, đã ghi nhận “Công ty Pacific không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc của số hổ đang được nuôi nhốt (giấy phép nhập khẩu, giấy cho tặng, mua, bán)”.

Số phận những “chúa sơn lâm” này đang chờ định đoạt (Ảnh: Quốc Thanh)

Cục Kiểm lâm xem đây là cơ sở nuôi hổ trái phép. Đoàn kiểm tra kết luận Công ty Pacific đã vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý động vật rừng nguy cấp, quí hiếm... Đồng thời yêu cầu Công ty Pacific không được tiếp tục mua bán trái phép hổ và các loài động vật rừng hoang dã khác.

Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương lại đề nghị khác: cho Công ty Pacific tiếp tục nuôi, chăm sóc và giữ nguyên hiện trạng nuôi tại công ty cho đến khi có chủ trương của cơ quan chức năng. Kiểm lâm Bình Dương cũng xác nhận có ghi nhận việc sinh sản của hổ khi công ty này trình báo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Văn Tràng - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương - nói: “Theo tôi, hiện tại nên tiếp tục cho nuôi số hổ trên nhưng có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng nhằm bảo tồn và phát triển đàn động vật quí hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Không cho phép mua bán.”.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cũng khẳng định từ tháng 6-2003 cơ quan này đã có báo cáo gửi Cục Kiểm lâm về tình hình nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, trong đó có đề cập việc nuôi nhốt 11 con hổ tại Công ty Pacific và doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh. Từ đó đến nay, số lượng đàn hổ nuôi trong dân ở tỉnh Bình Dương liên tục tăng lên và hằng năm đều có báo cáo về Cục Kiểm lâm. Thế nhưng mọi chuyện cứ trôi đi suốt trong gần bốn năm qua. Cho đến ngày

22-12-2006, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn mới có văn bản xin ý kiến giải quyết việc nuôi nhốt hổ trái phép tại tỉnh Bình Dương. Đến ngày 9-3-2007, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng “giao bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn chủ trì họp với thủ trưởng các cơ quan có liên quan để bàn biện pháp xử lý việc nuôi nhốt hổ trái phép tại tỉnh Bình Dương theo đúng qui định của pháp luật”.

Lúc này đàn hổ đã sinh sản nhiều và những người nuôi cũng đầu tư vào đó nhiều công sức, cũng như đã làm được một số điều mà không phải cơ quan bảo tồn nào cũng làm tốt: cho hổ sinh sản.

QUỐC THANH - THU THẢO

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Duy Tân (ảnh) - giám đốc Công ty Pacific - khẳng định:

- Việc chúng tôi mua và nuôi những con hổ đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có biết, có ghi nhận. Điều này chứng tỏ chúng tôi không nuôi trộm, không nuôi lén lút. Hơn nữa tôi không nuôi hổ vì mục đích thương mại. Tôi nuôi vì mục đích bảo tồn.

* Cơ quan quản lý cho rằng việc nuôi hổ như ông hay Công ty Pacific đang làm là trái phép. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cũng chỉ biết thông tin qua báo chí, hiện chưa có văn bản chính thức nào gửi đến tôi cả. Tuy nhiên, trước sự việc như vừa qua, tôi bị “sốc” vì người ta đã cho rằng tôi vi phạm pháp luật. Theo qui định tại mục 3 điều 3 nghị định 32 ngày 30-3-2006 thì “Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quí, hiếm”. Theo đó, việc nuôi hổ của chúng tôi là không sai.

Chúng tôi muốn tiếp tục được nuôi đàn hổ và cho phát triển thêm. Theo tính toán của tôi, sau năm năm nữa (năm 2012), đàn hổ của chúng tôi không dưới 200-300 con, nếu được hỗ trợ về đất đai để làm vườn thú hoặc khu bảo tồn.

Tôi nuôi vì mục đích bảo tồn

Được nuôi nhốt nếu đủ điều kiện

Chiều qua (19-3), trao đổi với báo chí, ông Hà Công Tuấn - cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn) - cho biết cuối tuần này Bộ Nông nghiệp &  phát triển nông thôn sẽ họp bàn với các bộ, ngành liên quan để đưa ra biện pháp giải quyết đối với số hổ đang được tư nhân nuôi nhốt tại Bình Dương.

Theo ông Tuấn, công ước quốc tế qui định ba phương án xử lý đối với hổ do tư nhân nuôi nhốt gồm tịch thu trả lại tự nhiên đúng nơi xuất xứ của hổ; tịch thu tiêu hủy; tổ chức tiếp tục nuôi nhốt. Cục Kiểm lâm đã trình phương án thứ ba với Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn.

Theo đó, do số hổ đang được các hộ tư nhân nuôi nhốt bất hợp pháp nên trước mắt phải ra quyết định tịch thu (không xử phạt). Sau khi tịch thu, số hổ này sẽ được tổ chức tiếp tục nuôi nhốt theo hai phương án.

Thứ nhất, hổ sẽ được giao lại cho các hộ tư nhân nuôi nhốt nếu các hộ này đảm bảo đủ các điều kiện về chuồng trại, kỹ thuật, an toàn và Nhà nước sẽ có hình thức hỗ trợ.

Thứ hai, nếu các hộ tư nhân không tự nguyện tiếp tục nuôi nhốt và không đảm bảo đủ các điều kiện thì Nhà nước sẽ tiến hành nuôi nhốt dưới hình thức bán hoang dã. Ông Tuấn cho biết nếu các hộ tư nhân tiếp tục nuôi nhốt sẽ được quyền tiêu thụ hổ từ đời F2 trở đi nhưng không được tiếp tục mua hổ về nuôi nhốt. Tuy nhiên quyết định cuối cùng còn đang chờ cuộc họp vào cuối tuần này.

Về việc không xử lý sớm số hổ ngay từ khi các hộ tư nhân bắt đầu nuôi, ông Hà Công Tuấn thừa nhận sự chậm trễ này có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Kiểm lâm. Theo ước tính, cả nước hiện có khoảng 100 con hổ tự nhiên và còn khoảng 50 con hổ đang được nuôi nhốt.                                               

 K.HƯNG

* PGS-TS Hà Đình Đức, khoa sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), thành viên Hiệp hội quốc tế Bảo vệ các loài động thực vật quí hiếm (IUCN/SSC):

Cho sinh sản được là thành công lớn

Trong thực tế người dân đã có những đóng góp rất lớn trong việc nuôi và bảo tồn các loài động vật quí hiếm. Trước đây, vào những năm 1960, loài hươu sao hầu như đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Thế nhưng khi người dân nuôi hươu sao với mục đích kinh doanh, việc nhân giống đã thành công và phát triển rộng nhiều nơi trong cả nước.

Trong mấy năm vừa qua, một số doanh nghiệp nuôi hổ từ vài con đã sinh sản thành đàn hổ với số lượng nhiều như vậy, tôi cho rằng đây là thành công lớn mà không phải bất cứ cơ sở nghiên cứu nào của Nhà nước cũng làm được.

Căn cứ điều 3, mục 3, nghị định 32: “Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quí, hiếm”, ban hành ngày 30-3-2006 thì các doanh nghiệp này thực hiện đúng luật pháp. Như vậy việc tịch thu đàn hổ này có trái với nghị định 32 không?

Nếu tịch thu toàn bộ số hổ trên thì hổ sẽ được đưa đi đâu? Ai đảm bảo kinh phí nuôi và duy trì đàn hổ này? Người nuôi hổ có đảm bảo được kỹ thuật nuôi? Chưa kể nếu đưa ra thiên nhiên thì càng nguy hiểm hơn vì số hổ trên đã quen sống điều kiện nuôi nhốt, khả năng kiếm sống hoang dã sẽ không còn.

Tôi cho rằng nên tổ chức hội thảo để các nhà chuyên môn và các nhà luật pháp đóng góp ý kiến giải quyết những vấn đề tồn tại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo Tuổi trẻ
  • 6.842