Sợi cáp ngầm bị đứt ở Tonga sẽ được nối lại như thế nào?

  •  
  • 330

Sau thảm họa kép núi lửa - sóng thần, Tonga hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình sửa chữa tuyến cáp ngầm ở nam Thái Bình Dương để kết nối lại với thế giới bên ngoài, theo BBC.

Tuyến cáp quang dưới biển nối Tonga với phần còn lại của thế giới đã bị đứt trong đợt phun trào núi lửa hôm 15/1. Bộ Ngoại giao New Zealand cho biết quá trình sửa chữa 49.889 km cáp ở nam Thái Bình Dương có thể kéo dài hơn một tháng.

Vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển kéo theo đợt sóng thần kinh hoàng vào giữa tháng một đã khiến 110.000 người ở Tonga bị cắt điện, theo BBC.

Một kết nối không dây 2G sử dụng vệ tinh của Đại học Nam Thái Bình Dương đã được thiết lập trên hòn đảo chính của Tonga. Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ mang tính tạm thời vì chất lượng Internet không ổn định.

Khoảng 37km cáp ngầm ở Tonga đã bị đứt do ảnh hưởng từ đợt núi lửa phun trào
Khoảng 37km cáp ngầm ở Tonga đã bị đứt do ảnh hưởng từ đợt núi lửa phun trào kéo theo sóng thần dữ dội vào giữa tháng 1. (Ảnh: AFP).

Quá trình sửa cáp

Tuyến cáp ngầm dưới biển vốn do Tonga Cable vận hành, được cho là đã đứt khoảng 37 km ngoài khơi. Theo Reuters, phía công ty Tonga Cable đã xác nhận sự cố đứt cáp thông qua quy trình dò lỗi sau thảm họa kép núi lửa - sóng thần vào giữa tháng một.

Peter Jamieson, kỹ sư chính của công ty viễn thông Virgin Media, đồng thời là phó chủ tịch Hiệp hội Cáp ngầm châu Âu, cho rằng quá trình sửa chữa tuyến cáp ở Tonga thực ra khá đơn giản.

“Họ (đội kỹ thuật) sẽ gửi một xung ánh sáng từ hòn đảo (của Tonga) và một thiết bị sẽ đo thời gian di chuyển của xung ánh sáng, từ đó xác định vị trí đứt gãy”, ông Jamieson giải thích. Sau đó, một thuyền sửa chữa sẽ được cử đến điểm đứt đầu tiên của tuyến cáp.

Các kĩ thuật viên có hai lựa chọn để nối hai đầu cáp bị đứt. Họ có thể sử dụng phương tiện vận hành từ xa dưới nước (gọi tắt là ROV) hoặc graphel, là dụng cụ bao gồm sợi xích có gắn móc ở một đầu.

Theo ông Jamieson, nếu toàn bộ quá trình nói trên được vận hành suôn sẻ, việc sửa chữa tuyến cáp đứt ở Tonga sẽ mất 5-7 ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cử một chiếc thuyền sửa cáp đến Tonga sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Chiếc tàu sửa cáp gần nhất đang đóng tại cảng Moresby của Papua New Guinea, cách Tonga khoảng 4.700 km.

Ngoài ra, các chuyên gia phải xác nhận rằng đích đến đủ an toàn cho thuyền và thủy thủ đoàn. Theo đó, họ cần xác định liệu có núi lửa nào quanh khu vực sửa cáp có khả năng phun trào hay không.

Quá trình sửa chữa cáp ngầm ở Tonga có thể kéo dài
Quá trình sửa chữa cáp ngầm ở Tonga có thể kéo dài do việc điều phối thuyền sửa cáp đến nước này gặp khó khăn. (Ảnh: Getty).

Tuyến cáp duy nhất

Theo ước tính của BBC, mỗi năm thế giới có khoảng 200 điểm cáp bị hư hại cần phải sửa chữa. Tuy nhiên, 90% trong số này xuất phát từ hoạt động đánh bắt hải sản, trường hợp cáp biển hư hỏng do thiên tai rất hiếm khi xảy ra.

Cáp truyền dữ liệu được cấu thành từ các sợi quang thủy tinh. Phần lớn độ dày của cáp là phần vỏ được thiết kế để bảo vệ các sợi quang bên trong.

Ở các nước phương Tây, việc một sợi cáp ngầm bị đứt không phải là vấn đề nghiêm trọng vì vẫn còn nhiều sợi cáp khác. Tuy nhiên, Tonga chỉ có một tuyến cáp duy nhất. Do đó, khi sợi cáp này đứt, Tonga bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Việc kết nối với thế giới của Tonga phụ thuộc hoàn toàn vào một tuyến cáp ngầm duy nhất.
Trái với các nước phương Tây, việc kết nối với thế giới của Tonga phụ thuộc hoàn toàn vào một tuyến cáp ngầm duy nhất. (Ảnh: Telegeography)

“Lý tưởng thì (mỗi quốc gia) nên có ít nhất hai sợi cáp ngầm”, ông Jamieson nói. “Tuy nhiên, giá cáp và quá trình lắp đặt cáp ngầm lại rất tốn kém, cũng không có động lực nào thúc đẩy Facebook, Google hay doanh nghiệp nào xây dựng hệ thống cáp ở đó (Tonga) cả”.

Vào năm 2019, Tonga trải qua sự cố đứt cáp do lỗi kĩ thuật từ mỏ neo của một con tàu. Sau tai nạn này, Tonga đã ký một thỏa thuận kết nối vệ tinh kéo dài 15 năm.

Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại vệ tinh ở Tonga những ngày gần đây bị ảnh hưởng bởi lớp khói và tro bụi bao phủ khắp đất nước này.

Điện thoại vệ tinh là một loại thiết bị dùng để liên lạc ở những nơi không phủ sóng điện thoại di động. Tuy nhiên, chi phí cho loại thiết bị này rất đắt nên chỉ quan chức chính phủ và một số doanh nghiệp có thể chi trả để sử dụng điện thoại vệ tinh.

Nhà cung cấp mạng di động Digicel đã thiết lập một hệ thống tạm thời trên đảo chính Tongatapu của Tonga. Hệ thống này sử dụng đĩa vệ tinh của Đại học Nam Thái Bình Dương để phủ sóng 2G song đường truyền vẫn còn hạn chế.

Cập nhật: 27/01/2022 Theo Zing
  • 330