Sóng âm dưới nước có thể giúp cảnh báo sóng thần sớm hơn

  •  
  • 166

Khi các sự kiện gây ra sóng thần như động đất dưới nước xảy ra, sóng âm được biết đến như sóng trọng lực âm thanh (AGW) được gửi đi qua dòng nước. Bây giờ, các nhà khoa học của Đại học Cardiff đã phát triển một phương pháp phân tích toán học những làn sóng đó để dự đoán cơn sóng thần sẽ tàn phá như thế nào.

Sóng AGW di chuyển nhanh gấp 10 lần so với sóng thần, và di chuyển ra mọi hướng từ tâm của trận động đất.

Khi chúng được phát hiện bởi một chiếc hydrophone (đầu thu sóng địa chấn trong nước) dưới nước, thiết bị này có thể xác định được các đặc điểm của động đất như vị trí, thời gian, kích thước và hướng xảy ra. Bằng cách phân tích dữ liệu đó, các nhà nghiên cứu Cardiff hiện nay có thể tính được biên độ và sức phá hoại tiềm ẩn của sóng thần đi kèm, sớm hơn nhiều so với trước đây.

Hậu quả của trận sóng thần tấn công Sri Lanka năm 2004.
Hậu quả của trận sóng thần tấn công Sri Lanka năm 2004. (Nguồn: Fotoember/Depositphotos).

Hiện nay, hệ thống cảnh báo bao gồm các phao để đo sự thay đổi áp lực trong đại dương gây ra bởi sóng thần. Nếu các thiết bị này neo gần bờ thì chúng không cung cấp được nhiều cảnh báo trước - những cơn sóng thần trên thực tế đã chạm vào những phao này thì mới được phát hiện. Ngoài ra, còn cần có một mạng lưới nhiều phao, được đặt trên khắp thế giới và khá tốn kém.

Nhưng một hệ thống nhận diện sóng AGW sẽ không có những nhược điểm như trên.

Nhà khoa học hàng đầu là Tiến sĩ Usama Kadri nói: "Bằng cách đo các sóng trọng lực âm, chúng tôi có mọi thứ chúng tôi muốn. Mục đích của chúng tôi là có thể thiết lập một báo động sóng thần trong vòng vài phút sau khi ghi lại các tín hiệu âm thanh từ trạm hydrophone".

Trong một nghiên cứu trước đó, Kadri cũng đã xem xét khả năng sử dụng các sóng AGW nhân tạo để ngăn sóng thần gây ra lở đất.

Cập nhật: 04/04/2018 Theo Huynh Dung (QTM)
  • 166