Sổng bạch tuộc, lươn biển quay sang tấn công thợ lặn

  •  
  • 2.946

Không cam chịu chứng kiến bạch tuộc chạy mất sau khi bị cắn đứt xúc tu, lươn biển liền chuyển mục tiêu tấn công sang thợ lặn quay phim.

Cuộc chiến kịch liệt giữa một con lươn biển moray và bạch tuộc được một thợ lặn ghi hình tại vịnh Hanauma ở đảo Oahu, Hawaii, Mỹ, National Geographic hôm 23/11 đưa tin.

Sau một lúc giằng co, con bạch tuộc bị cắn đứt một vài xúc tu, nhưng nó đã kịp uốn mình lách ra và nhanh chóng trốn thoát. "Nó phun mực đen để đánh lạc hướng", George Burgess, nhà sinh vật học biển tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên ở Florida, cho biết.

Tương tự như mực ống, bạch tuộc có cơ quan sản xuất mực đen. Khi bị đe dọa, chúng có thể phun mực vào nước, đánh lạc hướng kẻ thù và trốn thoát. "Con bạch tuộc ở trong một cuộc chiến sống còn, và nó hy sinh một hoặc hai xúc tu để bảo toàn tính mạng", Burgess nói thêm.

Lươn biển cuộn chặt quanh mình bạch tuộc.
Lươn biển cuộn chặt quanh mình bạch tuộc. (Ảnh: National Geographic).

Không giống một số loài côn trùng hay thằn lằn, bạch tuộc không thể tự cắt một phần cơ thể khi cần, nhưng nếu mất một vài xúc tu khi giao chiến, chúng có thể mọc lại.

Sau khi để mất con mồi, lươn biển quay sang tấn công thợ lặn.

Lươn biển không siết con mồi đến chết như một số loài rắn thường làm, mà chỉ cuộn mình để giữ chặt con mồi. Cùng với cá và các loài không xương sống khác, bạch tuộc là thức ăn yêu thích của lươn biển moray.

Theo Burgess, nhiều khả năng con lươn biển lao vào đe dọa thợ lặn tránh xa những xúc tu của bạch tuộc mà nó vừa chiếm được. Dù có hàm răng lớn, sắc nhọn và trông dữ tợn, lươn biển Moray thường không hiếu chiến khi gặp con người. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra những vết cắn nghiêm trọng khi không còn đường lui.

Khả năng thứ hai là con lươn biển nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong ống kính camera và cho rằng có một con lươn biển khác đang cố ăn cắp bữa ăn của nó nên đã lao vào tấn công, Burgess suy đoán.

Cập nhật: 01/12/2016 Theo VnExpress
  • 2.946