Sóng thần chỉ mất khoảng 2 giờ để tấn công bờ biển miền Trung

  •  
  • 2.409

Đó là nhận định trong “kịch bản sóng thần có khả năng xảy ra ở Việt Nam” của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu).

Việc dự báo sóng thần hoàn toàn không đơn giản, vì phụ thuộc rất nhiều vào việc dự báo các tai biến địa chất diễn ra trên biển và đại dương như: Dự báo động đất, đứt gãy lục địa… Mặt khác, do quá trình lan truyền của sóng thần rất nhanh (thường thì tốc độ lan truyền có thể đạt tới hàng trăm km/giờ) nên phần lớn các đợt sóng thần gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho các cư dân sống ở vùng ven biển.

Theo Bộ TN-MT, mức độ nguy hiểm của động đất ở Việt Nam sẽ gia tăng và cần phải tính đến trong sự phát triển của đất nước. Thực tế đã cho thấy, ở Việt Nam thế kỷ trước cũng xảy ra 2 trận động đất có cường độ mạnh tới 6,7 – 6,8 độ richcher tại miền Bắc (những năm 1935 và 1983 gây phá hủy trên một vùng rộng lớn 1.300 km2 làm chết 30 người. 

Sóng thần chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để tấn công bờ biển miền Trung Việt Nam. Ảnh minh họa


Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương (Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu), trên cơ sở nghiên cứu các đặc trưng địa chấn kiến tạo và địa động lực khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, các nhà khoa học của Viện Vật lý Địa cầu đã xác định được các vùng nguồn sóng thần có thể gây nguy hiểm trực tiếp tới bờ biển Việt Nam trên khu vực biển Đông và các vùng biển lân cận.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý Địa cầu, do có vị trí khá đặc thù, vùng bờ biển Việt Nam có nhiều khả năng phải chịu sự tác động chủ yếu từ các vùng nguồn sóng thần nằm trên khu vực biển Đông. Trong khu vực biển Đông, vùng nguồn Máng biển Manila Bắc được coi là vùng nguồn sóng thần nguy hiểm nhất đối với bờ biển Việt Nam. Kết quả tính thời gian lan truyền sóng thần cho thấy sau khi phát sinh trên vùng nguồn này, sóng thần chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để tấn công vào bờ biển miền Trung Việt Nam.

Cũng tại hội nghị, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó trưởng ban chỉ huy PCLB và TKCN TP Đà Nẵng cho biết: “Hiểm họa sóng thần tại Đà Nẵng có thể là nguyên nhân từ một vụ va chạm của thiên thạch ở biển Đông, núi lửa, trượt đất, động đất trong khu vực biển đông từ đảo Đài Loan đến Philippin. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, khả năng sóng thần trên bờ biển Việt Nam không lớn nhưng thực sự tiềm ẩn khả năng này. Nếu có xảy ra sóng thần thì khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là Trung Trung Bộ (nặng nhất từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi). Tại Đà Nẵng, toàn bộ tuyến ven biển, tuyến dọc các sông Hàn, Vĩnh Điện, Cẩm Lệ, Cầu Đỏ và sông Túy Loan là những vùng có thể chịu ảnh hưởng nặng nhất."


Ông Thắng cũng cho biết thêm: “Nhận thức được sự nghiêm trọng của thảm họa, chúng tôi đang gia tăng chương trình đầu tư đê biển, các địa phương xây dựng hệ thống báo động, duy trì chế độ trực ca suốt ngày đêm để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa động đất - sóng thần”.

Theo báo cáo tại hội nghị của Trung tâm Hải văn (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), dao động mực nước biển là hiện tượng dâng, rút của biến trình mực nước biển so với giá trị trung bình nhiều năm và phân chia thành 2 nhóm cơ bản: nhóm dao động mực nước biển có chu kỳ được gây ra do lực hấp dẫn của mặt trăng và mặt trời mà đại diện của nó là dao động thủy triều; nhóm thứ 2 không có chu kỳ thường được gây ra do sự biến đổi của gió, khí áp trên bề mặt biển hoặc do sự bất đồng nhất về mật độ của nước biển…

Theo Báo Đất Việt
  • 2.409