Sống và yêu thời "A còng"

  •  
  • 380

Làm thế nào đồng hành được chữ "nét" thuần Việt với chữ "net" toàn cầu trong nhịp bước của tuổi 20 ở thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới để tuổi trẻ Việt Nam sống và yêu xứng đáng ngang tầm thời đại?

Một người bạn hay "triết lý vụn" của tôi một hôm tuyên bố hùng hồn rằng: "Thời thanh xuân của chúng mình ngày xưa lõm bao nhiêu năm căn hầm thì thời thanh xuân của lũ con mình ngày nay lồi bấy nhiêu máy tính." Sự so sánh này quả đúng là đúng thật. Nếu ngày chiến tranh mặt đất Việt Nam có bao nhiêu căn hầm, thì thời thanh bình trên mặt bàn học của bao người có bấy nhiêu máy tính. Hùng hồn xong, bạn tôi lại "nâng lên lý luận": "Nhưng thế hệ lõm của chúng ta đã làm lồi lên một một vinh quang tầm vóc dân tộc. Còn thế hệ lồi ngày nay liệu đã tìm thấy đâu là cái lõm lãng mạn rất cần ở một con người biết sống và biết yêu?". Chính cái triết lý về "thế hệ lồi" và "thế hệ lõm" này của bạn đã khiến tôi chợt giật mình mà vừa "Cảo thơm lần giở trước đèn" lại vừa "Mai sau dù có bao giờ- Đốt lò hương ấy so tơ phím này" để mà nhìn rõ hơn tuổi trẻ bây giờ- "thế hệ lồi @.8X.com" sống và yêu ra sao.

Vì từng "sống trong vùng nhiễm chất độc màu da cam" ở Trường Sơn mấy năm nên khi vợ tôi sinh con gái vào mùa thu năm 1983, trong tình trạng "mẹ tròn con vuông", tôi mừng hú và quyết định thôi không sinh thêm con nữa. Trời đã thương, đã cho mình được là cha một đứa trẻ lành lặn là may mắn lắm rồi. Nhỡ cố thêm, cháu nó dị dạng thì khổ cả nó, khổ cả mình. Cũng nhờ có cô con gái "thế hệ lồi @.8X.com" mà tôi cũng ít nhiều nhận ra thế giới này sống và yêu ra sao.

Cũng là 8X mà đời đầu như Vi Thuỳ Linh - nhà thơ trẻ - thì còn những sinh nhật không có bánh gatô của thời bao cấp. Đến 8X đời giữa thì chuyện có bánh gatô trong sinh nhật là thường nhiên. Sinh nhật mà không có bánh gatô, mà không thổi nến thì có mà là ... người hành tinh khác à. Và thế hệ này cứ thế "sướng dần" cùng công cuộc đổi mới của đất nước. Nhưng chiến tranh có cái khổ của chiến tranh, thì thanh bình lại có cái khổ của thanh bình. Ngày xưa đeo ba lô trĩu nặng đi sơ tán, vào chiến trường thì ngày nay đeo cặp trĩu nặng đến lớp học chính khoá, lớp học thêm. Ngày xưa không có ti vi mà xem. Ngày nay nhà nào cũng có ti vi thì lại phải hạn chế con cái không được xem, dành thời gian mà học. Đúng là "học, học nữa, học mãi". Cái "cõi học hành" nó "mênh mông bể sở" như thế thì học cho đến bao giờ mới nên người đây. Ngày xưa có cây bút bi mà viết là "oách xà-lách" lắm rồi. Ngày nay viết trên máy tính, viết đến quên cả chữ tập viết tay hồi nào. Cái môn lý số "nhìn chữ đoán người" đã trở thành lạc hậu với "thế hệ lồi @.8X.com" này rồi.

Cũng là từ đồng âm thì "nét" ngày xưa là để nói về nét người nét chữ mà sửa tính sửa nết cho mình. Còn "nét" ngày nay là để nối mạng với toàn thế giới, để tới mức có thể ngộ nhận, không còn biết mình là ai, không còn biết mình là gì giữa thế giới bao la, lại vừa chật chội này. Và chính từ sự khác nghĩa của hai từ đồng âm (một từ thuần Việt, một từ tiếng Anh) mà thế hệ hôm nay vì hội chứng "net" đã quyên đi việc tìm ra nét riêng của mình, cứ thế bị lẫn dần giữa đám đông xô bồ, tếu táo, vô mục đích. Cứ thế "dung dăng dung dẻ" đi ăn chân gà nướng ở Trung Tự, ăn nem nướng đêm ở phố Hàng Bông, "dung dăng dung dẻ" đua xe ngày lễ, ngày U23 Việt Nam chiến thắng. Và, đau đớn nhất là "dung dăng dung dẻ" hút chích để rồi tự huỷ hoại mình trong "cái chết trắng". Nhưng rồi, thế hệ nào cũng phải tự tìm ra chân dung của thế hệ mình. Ngày xưa kham khổ thế mà vẫn mạnh mẽ "xẻ dọc Trường Sơn". Ngày nay nhiều nam thanh nữ tú cứ như là "bình lẩu mi ni", chỉ lên cơn "Rock" được một lúc là rũ mệt, hết hơi, "tắt điện". Ngày xưa sách in giấy đen kịt thì tranh nhau tìm đọc để rồi sống như Pave Corsagin, như "Ruồi trâu" tự nguyện đang hiến, tự nguyện hi sinh. Ngày nay tuổi trẻ biết nhiều đén các MC truyền hình hơn là các nhà văn Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi... các nhà thơ như Thanh Thảo, Ý Nhi thì lại càng ít được biết đến hơn. Cái "lõm lãng mạn" là cái thiếu của "thế hệ lồi @ 8X.com". Máy tính đã trở thành ngục tù nhốt tuổi trẻ trong mọi thời gian, không gian. Đôi khi thoát ra khỏi bàn máy, nam thanh nữ tú ngơ ngác như "gà công nghiệp", làm ra nhiều tiền mà chẳng biết tiêu tiền thế nào cho đúng là tiêu. Một cuộc sống hồn nhiên, tự tin của thời thanh xuân đang bị can thiệp mạnh của thông tin, truyền thông, có nguy cơ bị biến dạng.

Rất may, lớp trẻ đã không chịu lùi bước trước trận tổng công kích này. Đã là tuổi trẻ, dù xưa hay nay, dù "thế hệ lõm" hay "thế hệ lồi" đều khát khao sự thật. Sự thật ở hai cuốn "Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm" và "Mãi mãi tuổi 20" đã có sức mạnh ghê gớm hướng "thế hệ @.8X.com" đến một nhịp sống mới mạnh mẽ hơn, tự tin hơn.

Ngày xưa, yêu nhau như mối tình Đặng Thuỳ Trâm, người nữ bác sĩ đã đem theo lý tưởng vượt Trường Sơn để "chung một chiến hào" với người yêu. Còn Nguyễn Văn Thạc đã viết biết bao trang thư cho Như Anh trong hy vọng và tuyệt vọng xen lẫn. Ngày nay, yêu nhau qua chat, tỏ tình qua chat. Và nhầm lẫn, đau khổ, mất mát cũng vì chat. Đã có bao cô gái thanh tân con nhà lành vì chat mà đã bị nhưng tên "Sở Khanh thời @" làm cho điêu đứng, đưa vào những mê cung không biết lối ra, để rồi không còn biết đâu là sự thật, đâu là giả nữa. Ngày xưa yêu nhau, dâng hiến cho nhau, chờ đợi nhau không cần gì hết. Ngày nay tìm được một tình yêu không toan tính thật quá khó. Có thì cũng chỉ là những cơn "nghi ngút lửa tình" cho biết "mùi đời", cho biết "cảm giác mạnh", rồi sau đó lại lui về toan tính. Có thì cũng chỉ là những ứng xử khéo léo để khỏi "nghĩa lộ" những toan tính thực chất của mình trước đối tượng "chọn để yêu". Tình yêu đích thực và chân thành ơi! Mi ở đâu?

Tính đến năm Bính Tuất 2006, công cuộc đổi mới của đất nước cũng đã tròn tuổi đôi mươi. Bao nam thanh, nữ tú tuổi đôi mươi đã sinh ra trọn vẹn trong thời kì nay. Tuổi đôi mươi hôm nay so với tuổi đôi mươi thời chiến tranh của tôi quả là đã tới một hiện thực "đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh" như nhà thơ Tố Hữu đã tiên đoán vào mùa xuân 1961, bốn mươi lăm năm về trước.

Làm thế nào đồng hành được chữ "nét" thuần Việt với chữ "net" toàn cầu trong nhịp bước của tuổi 20 ở thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới để tuổi trẻ Việt Nam sống và yêu xứng đáng ngang tầm thời đại, thì có lẽ đó là chân dung đích thực của "thế hệ lồi @.8X.com" mà bài viết này đang lạm bàn chăng?

Theo Lao động & xã hội
  • 380