Lực lượng Không quân Mỹ đã trao cho SpaceX một hợp đồng 5 năm để phát triển phương thức vận tải hàng hóa và viện trợ bằng tên lửa.
Hợp đồng được ký kết vào hôm 14/1 nhưng mới được AviationWeek tiết lộ gần đây, thuộc Chương trình vận chuyển tên lửa của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân (AFRL), nhằm tận dụng lợi thế của các tên lửa thương mại cỡ lớn cho hậu cần toàn cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tàu vũ trụ Starship có thể tái sử dụng hoàn toàn đang được SpaceX phát triển. (Ảnh: SpaceX).
Với giá trị lên tới 102 triệu USD, đây là hợp đồng lớn nhất từng được trao cho đến nay đối với hàng hóa tên lửa, giúp xác định chính xác những gì tên lửa hạng nặng có thể đạt được như công suất thực, tốc độ và chi phí của hệ thống tích hợp khi vận chuyển hàng hóa quân sự và viện trợ nhân đạo, Giám đốc chương trình Greg Spanjers nói với Space News.
Hợp đồng không nêu rõ sẽ sử dụng phương tiện phóng nào của SpaceX. SpaceX đã triển khai nhiều nhiệm vụ quân sự trong quá khứ bằng tên lửa Falcon 9 và Falcon Heavy, nhưng CEO Elon Musk nói rằng ông xem Starship là phương tiện của tương lai.
SpaceX cũng sẽ cung cấp các thiết kế khoang chở hàng để hỗ trợ việc bốc dỡ hàng hóa nhanh chóng và tương thích với các container vận tải liên hợp TRANSCOM của Mỹ.
Tầm nhìn của SpaceX và AFRL là dựa vào mạng lưới các sân bay vũ trụ trên khắp thế giới để phóng và hạ cánh tên lửa. "Tuy nhiên, nhiều khu vực dễ xảy ra thiên tai hiện không có sân bay vũ trụ thương mại, do đó, chúng tôi đang khám phá một loạt các quỹ đạo và lựa chọn hạ cánh mới cho các địa điểm khó tiếp cận, đồng thời nghiên cứu các yếu tố con người khi hạ cánh gần khu dân cư và tích hợp nhiều loại hàng hóa hơn bao gồm cả vật tư y tế", Spanjers cho biết thêm.
AFRL chưa tiết lộ khi nào các chuyến bay đầu tiên ra mắt, nhưng có kế hoạch đưa thêm các công ty khác vào chương trình theo thời gian. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp phương tiện phóng khác để xem xét trao các hợp đồng bổ sung", Spanjers lưu ý.