Sự cố suýt giết chết phi hành đoàn Apollo 11 cách đây 50 năm

  •  
  • 267

Nhiệm vụ chở người lên Mặt trăng Apollo 11 có thể không kết thúc thành công như mong đợi nếu xảy ra sự cố va chạm giữa hai module của tàu.

Cách đây hơn 50 năm, Apollo 11 là nhiệm vụ vô cùng thành công của Mỹ khi NASA lần đầu tiên chở người lên bề mặt Mặt trăng và đưa họ sống sót trở về nhà. Tuy nhiên, nhiệm vụ lịch sử này suýt kết thúc trong thảm kịch trong quá trình hồi quyển. Vấn đề xảy ra ngay trước khi phi hành đoàn Apollo 11 trở về Trái đất, khiến một module gần như đâm vào khoang chở phi hành gia, theo Business Insider.

 Mô phỏng khoang tàu vũ trụ bay trở lại Trái đất.
Mô phỏng khoang tàu vũ trụ bay trở lại Trái đất. (Ảnh: Marc Kard).

Trục trặc xuất hiện chưa đầy một giờ trước khi nhiệm vụ Apollo 11 hạ cánh. Trong phần lớn nhiệm vụ 8 ngày, các phi hành gia ở bên trong khoang hình nón gọi là module chỉ huy. Khoang này nằm bên trên module dịch vụ, một hình trụ lớn chứa nhu yếu phẩm, nhiên liệu đẩy và động cơ tên lửa. NASA gọi tàu vũ trụ hai phần này là module chỉ huy và dịch vụ (CSM).

CSM vận chuyển một module thứ ba gọi là module Mặt trăng lên quỹ đạo của thiên thể này. Sau đó, trạm đổ bộ đưa Buzz Aldrin và Neil Armstrong hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng và quay trở lại tàu, trong khi phi hành gia Michael Collins ở trên quỹ đạo Mặt trăng. Sau đó, CSM khai hỏa tên lửa chở bộ ba về Trái đất trong hành trình 3 ngày. Khoảng 15 phút trước khi nhóm phi hành gia đáp xuống Thái Bình Dương, CSM tách rời thành hai phần. Hoạt động này rất cần thiết bởi chỉ module chỉ huy chứa phi hành đoàn có tấm chắn nhiệt. Tấm chắn nhiệt bảo vệ phi hành gia bằng cách đổi hướng và hấp thụ năng lượng sinh ra khi lao qua khí quyển ở 40.234 km/h, nhanh gấp hàng chục lần tốc độ viên đạn.

Module dịch vụ trở nên vô dụng và gây nguy cơ va chạm sau khi hai bộ phận tách ra, vì vậy, nó được lập trình để văng ra trong khí quyển Trái đất giống như một viên đá ném qua mặt ao. Nhưng quá trình không diễn ra như vậy. Thay vào đó, module dịch vụ rơi theo khoang chở phi hành gia.

"Houston, chúng tôi thấy module dịch vụ bay tới gần ở phía trên bên phải", Aldrin báo cáo với trung tâm chỉ huy qua máy vô tuyến. "Nó bay qua từ phải sang trái".

Do plasma tích tụ trước mũi khoang, liên lạc vô tuyến tạm thời bị ngắt, khiến các phi hành gia không thể cung cấp thêm chi tiết. Nhưng một phi công lái máy bay trông thấy moduel chỉ huy và module dịch vụ quay trở lại Trái đất. Module dịch vụ bị vỡ thành nhiều mảnh bốc cháy.

Gary Johnson, kỹ sư điện làm việc trong chương trình Apollo, chia sẻ đáng lẽ module dịch vụ không thể rơi gần module chỉ huy. Nếu va chạm với module chỉ huy chở phi hành gia, bộ phận đó có thể phá hủy hoặc khiến phương tiện bay mất kiểm soát. Những mảnh vỡ của module dịch vụ cũng có thể đâm vào khoang chỉ huy, dẫn tới thảm họa. "Nếu tình hình trở nên tồi tệ, phi hành đoàn Apollo 11 có thể mất mạng. Chúng tôi rất may mắn", nói.

Các phi hành gia, kiểm soát viên và nhân viên liên lạc không biết có vấn đề xảy ra cho tới khi NASA phỏng vấn 3 phi hành gia về nhiệm vụ sau đó vài tuần. NASA tiến hành điều tra dựa trên báo cáo của họ và phát hiện hai nhiệm vụ trước đó là Apollo 8 và Apollo 10 cũng gặp vấn đề tương tự. Tuy nhiên, những phi hành gia khác không trông thấy module dịch vụ bên ngoài cửa sổ nên không báo cáo vấn đề. Kết quả xem lại dữ liệu radar cho thấy module dịch vụ trong các nhiệm vụ đó cũng bay quá gần module chỉ huy.

Nguyên nhân gây ra vấn đề là một chuỗi thao tác ở thiết bị điều khiển phụ trách tách module chỉ huy và module dịch vụ. NASA biết cùng vấn đề tồn tại trên tàu vũ trụ Apollo 12 phóng vào tháng 11/1969 nhưng quyết định không sửa chữa do áp lực thời gian.

Cập nhật: 21/07/2023 VnExpress
  • 267