Sử dụng tế bào gốc trong điều trị căn bệnh mù lòa

  •  
  • 816

Hội đồng nghiên cứu y học của Anh (MRC) ngày 21/7 thông báo các nhà khoa học nước này đã thành công trong nỗ lực khôi phục thị lực cho những con chuột bị mù. Đây được coi là bước tiến mới trong việc điều trị bệnh võng mạc.

Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Robin Ali, thuộc Viện nghiên cứu về mắt - Đại học London và Viện mắt Moorfields, đứng đầu đã sử dụng tế bào gốc ở giai đoạn đầu, dễ bị thay đổi, lấy từ phôi thai chuột và cấy vào các ống nghiệm để chúng phát triển thành các tế bào nhận kích thích ánh sáng ban đầu hay còn gọi là các tế bào cảm thụ ánh sáng trong võng mạc.

Sau khi tiêm khoảng 200.000 tế bào trên vào võng mạc của các con chuột, các nhà nghiên cứu phát hiện một số tế bào đã "hòa nhập" tốt với các tế bào sẵn có trong võng mạc để khôi phục thị lực. Sau đó, các con chuột thí nghiệm được thử sức trong "mê cung nước" và kiểm tra bằng phương pháp đo thị lực để khẳng định chúng có phản xạ với ánh sáng.

Sử dụng tế bào gốc trong điều trị căn bệnh mù lòa
Ảnh: crazygallery.info

Theo MRC, trong tương lai, tế bào gốc trong giai đoạn đầu sẽ là nguồn cung vô hạn tế bào nhận kích thích ánh sáng cho phẫu thuật võng mạc để điều trị bệnh mù ở con người.

Ở người, việc mất khả năng cảm nhận ánh sáng thường do các bệnh về mắt như viêm võng mạc sắc tố và bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD).

Trước đó, nhóm nghiên cứu của Anh này cũng phát hiện ra rằng, thị lực của các con chuột bị mù có thể được khôi phục bằng cách cấy ghép các tế bào nhận kích thích ánh sáng hay còn gọi là các tế bào hình que được lấy từ võng mạc của các con chuột khỏe mạnh.

Kết quả của nghiên cứu lần này đã tạo bước tiến mới vì các bộ phận được cấy ghép có các tế bào thần kinh cảm nhận ánh sáng khác nhau và chúng không thể được lấy từ các động vật khác. Thay vào đó, các tế bào này được phát triển trong phòng thí nghiệm và phát triển thành tế bào cần thiết nhờ kỹ thuật mới tái tạo hình dạng của võng mạc - kỹ thuật này được phát triển đầu tiên ở Nhật Bản.

Ông Ali cũng cho biết, trong nhiều năm gần đây, các nhà khoa học đã thành công với tế bào gốc và hướng chúng phát triển thành các loại khác nhau của tế bào và mô trưởng thành. Tuy nhiên, cấu trúc phức tạp của võng mạc đã gây khó khăn trong việc tái tạo trong phòng thí nghiệm.

Với kỹ thuật mới của Nhật Bản, bước tiếp theo sẽ là chắt lọc kỹ thuật này để có thể sử dụng các tế bào của con người trong các thử nghiệm lâm sàng.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • 816