Dù chúng ta có quý mến nhau thì cũng chưa chắc các ông đã nắm rõ về tôi đâu. Cá heo hơi bị cool ngầu đấy.
Xin chào! Tôi là cá heo đây!
Chắc trong số các anh em từng được "lên sóng" thì tôi với mấy ông cũng được xem là hòa thuận. Mà quả thực là loài người các ông có thích tôi, đúng không? Tôi tốt bụng này, hiền lành dễ thương, và luôn tìm cách giúp đỡ các ông mỗi khi có thể - ít nhất là trong truyện kể của con người.
Vậy nên để củng cố thêm tình bạn này, tôi sẽ cho các ông biết thêm vài điều về họ cá heo. Dám chắc rằng các ông tưởng là hiểu mà vẫn chưa hiểu gì về tôi đâu.
Các ông biết là tôi thông minh mà, đúng không? Dù có thể không đứng nhất, nhưng về độ lanh lợi thì thằng cá heo này cũng thuộc dạng có số má trong giới động vật.
Nhưng cái gì không đứng nhất thì hãy bỏ qua. Cái nhất của cá heo tôi nằm ở trí nhớ: chúng tôi có thể nhớ được sự việc một cách chi tiết với khoảng thời gian từ trên 20 năm trước. Về khoản này, cá heo tụi này còn vượt xa cả voi và tinh tinh.
Mấy ông biết loài người khác loài vật ở chỗ nào không? Là các ông có thể soi gương và biết rằng đó là ảnh ảo.
Trong thế giới động vật, chẳng mấy loài làm được trò đó. Tính ra chỉ có vài loài vật có trí tuệ cao như voi, quạ, tinh tinh, vài loài khỉ... Và đúng rồi đấy, cả cá heo này nữa.
Có lẽ cái tên "cá heo" có thể khiến các ông các bà hiểu nhầm. Nhưng kỳ thực cá heo tôi không phải cá, mà là một loài thú. Chúng tôi đẻ con và nuôi con bằng sữa, thay vì bằng trứng như các loài cá khác.
Lần sau đừng nhầm nhé!
Tạo hóa quả thực nghịch lý. Mang tiếng cá nhờ khả năng bơi lội, nhưng chúng tôi vẫn có thể chết vì sặc nước. Là thú mà, nên chúng tôi phải thở bằng phổi - tôi nghe mấy bác khoa học bảo thế. Cũng giống như loài người các ông, chỉ cần bị lọt nước vào phổi là tôi sẽ chết đuối.
Thậm chí tôi còn thảm hơn con người cơ. Loài người cần khoảng 30ml nước trong phổi mới chết, trong khi cá heo chỉ chịu được 15ml thôi. Tính ra, lượng nước ấy bằng khoảng... một thìa múc canh.
Cũng bởi vậy mà khi đẻ con, chúng tôi phải đẻ từ đuôi trước. Nếu đầu chui ra trước, con cái chết sặc nước hết. Nhớ ngày xưa khi ra đời, mẹ đã đưa tôi lên mặt nước để thở ngay lập tức.
Cá heo chúng tôi tự hào là những sinh vật có tổ chức xã hội cực tốt và đoàn kết. Tại sao ư? Hãy hỏi lũ cá mập nhé.
Trong tự nhiên, cá mập là lũ quái vật, là kẻ thù của chúng tôi. Chúng thường xuyên săn cá heo. Nhưng đó chỉ là các bé lạc đàn thôi! Rất nhiều lần chúng tôi đã hợp lực lại, dùng cái mũi cứng như sắt phóng thẳng vào mang cá mập, khiến chúng phải bỏ mạng.
Một ví dụ khác chứng minh xã hội cá heo không thua bất kỳ loài vật nào, đó là chúng tôi có cả tập tính đỡ đẻ. Khi một bà mẹ chuyển dạ khó khăn, sẽ có một bà mẹ khác tìm cách kéo đứa nhóc ra. Trong lúc đó, cả đàn sẽ bơi xung quanh để bảo vệ họ.
Hàng triệu năm trước, tổ tiên của cá heo không bơi dưới nước như chúng ta biết ngày nay, mà là một loài động vật ăn thịt sống hoàn toàn trên đất liền. Tuy nhiên, cách đây khoảng 50 triệu năm, một biến cố bí ẩn đã xảy ra khiến chúng buộc phải thích nghi với môi trường dưới nước, và dần tiến hóa thành một loài cá có vú như hiện nay.
Bằng chứng của lịch sử tiến hóa này vẫn có thể được nhìn thấy ở cá heo ngày nay. Trên thực tế, cá heo và cá voi trưởng thành đều có xương ngón tay và ngón chân điển hình của động vật có vú, nhưng được bao bọc bởi lớp da thịt dưới dạng vây trước và vây sau.
Quy trình tiến hóa của cá heo.
Một nghiên cứu mới được công bố gần đây đã chỉ ra khả năng đáng ngạc nhiên của cá heo: Có thể giữ tỉnh táo trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần liên tục mà không cần ngủ. Vậy chúng làm thế nào để có thể tồn tại mà không cần ngủ?
Cá heo sở hữu cơ chế ngủ vô cùng đặc biệt, chúng có thể cho nửa bộ não của mình nghỉ ngơi tại một thời điểm nhất định khi nửa còn lại vẫn tỉnh táo - một quá trình gọi là "Unihemispheric sleep". Cơ chế ngủ đặc biệt này không chỉ giúp cá heo không chết đuối, mà còn cho phép chúng giữ cảnh giác trước mọi nguy hiểm và thậm chí khuyến khích sự phát triển của não.
Cá heo không nhai thức ăn, hay nói đúng hơn chúng không thể nhai. Răng của cá heo phát triển với mục đích kẹp chặt con mồi. Đôi khi chúng sẽ lắc hoặc chà xát thức ăn dưới đáy đại dương để xé thành nhiều miếng nhỏ giúp dễ nuốt chửng hơn.
Một giả thuyết được đưa ra là do con mồi của cá heo chủ yếu là những loài cá nhỏ, và chúng cần nhanh chóng tóm chặt con mồi trong miệng trước khi bữa ăn của mình có thể bơi đi mất. Bỏ qua quá trình nhai để đảm bảo con mồi không thể chạy thoát.
Răng của cá heo không thích hợp để nhai.
Từ những năm 1960, Hải quân Hoa Kỳ đã đưa vào biên chế những con cá heo trưởng thành và huấn luyện chúng để phát hiện các mục tiêu dưới nước. Thay vì sử dụng khứu giác làm nhiệm vụ như chó, cá heo phát hiện vật thể bằng kỹ thuật định vị tiếng vang. Khả năng định vị bằng tiếng vang của cá heo vượt xa mọi công nghệ thời bấy giờ, và vẫn còn rất hiệu quả trong nhiều tình huống thực tế ngày nay.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì động vật từ lâu đã phản đối việc sử dụng cá heo cho mục đích quân sự.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một quần thể cá heo sống ở Vịnh Shark, Úc, sử dụng các "công cụ hỗ trợ săn mồi" là những con bọt biển mà chúng thu nhặt được dưới đáy đại dương để thăm dò những con cá đang ẩn mình dưới lớp cát, và truyền lại cách sử dụng cho các con non trong đàn.
Các nhà nghiên cứu từ các Đại học Bristol, Zurich và Tây Úc đã phát hiện ra rằng những con cá heo sống tại khu vực Shark Bay hình thành tình bạn dựa trên mối quan tâm chung - trong trường hợp này là thói quen sử dụng bọt biển để săn mồi. Đặc điểm sử dụng công cụ này được tìm thấy chủ yếu ở cá heo cái, nhưng bằng cách nghiên cứu hành vi của một vài con cá heo đực có biểu hiện, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một khám phá mới: Mối quan hệ của cá heo được hình thành qua kỹ thuật sử dụng công cụ nói chung.
Cá heo có tên riêng và chúng sẽ đáp lời khi được gọi. Cá heo trong từng quần thể sở hữu "tiếng huýt đặc trưng" của riêng chúng, giống như một cái tên và những con cá heo khác có thể sử dụng tiếng huýt đặc biệt đó để thu hút sự chú ý của bạn tình. Trên thực tế, cá heo cũng là một loài có tính xã hội cực cao.
Phát hiện này đã mở ra những câu hỏi hoàn toàn mới về mức độ giao tiếp và vốn "từ vựng" của cá heo, cũng như có thể tiết lộ manh mối về sự tiến hóa các kỹ năng ngôn ngữ của chính chúng ta.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bristol mới đây đã phát hiện ra rằng cá heo đực có thể làm việc và phối hợp cùng nhau như một team ăn ý - thuộc tính trước đây được cho là độc nhất đối với con người.
Quan sát hành vi của cá heo đực khi chúng phối hợp tán tỉnh heo cái, các nhà nghiên cứu đã thấy sự hợp tác thay vì hành vi cạnh tranh, điều này đặc biệt bất thường trong việc tìm bạn đời ở thế giới động vật.
Cá heo cũng biết làm việc nhóm.
Chúng ta biết rằng cá nóc có độc tố mạnh. Rõ ràng cá heo cũng biết điều này nhưng chúng sử dụng nó cho mục đích "phê pha".
Thông thường, độc tố cá nóc gây chết người. Tuy nhiên, với liều lượng nhỏ, nó có thể đóng vai trò như một chất gây nghiện. Đài BBC đã từng quay được một đoạn phim, trong đó những chú cá heo nhẹ nhàng chơi đùa với một con cá nóc trong 20 đến 30 phút, sau đó quanh quẩn không rời và có những hành vi "khác lạ".
Rõ ràng con người không phải là loài duy nhất cố tình tìm đến các chất khích để đạt được trạng thái thoải mái tạm thời trong hệ thần kinh.