Những động vật lặn sâu nhất thế giới

  •   4,73
  • 2.110

Những loài động vật lặn sâu nhất hành tinh gồm các loài thuộc nhóm động vật có vú, chim, bò sát, cá voi với độ sâu lớn nhất đạt gần 3.000m.

1. Quán quân: Cá voi mõm khoằm Cuvier

Cá voi mõm khoằm Cuvier
Hai mẹ con cá voi mõm khoằm Cuvier.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cascadia, dẫn đầu bởi Gregory Schorr đã phát hiện ra loài cá voi mõm khoằm Cuvier có khả năng lặn sâu đến 2.99m (khoảng 9.816 ft). Đồng thời, loài cá voi này cũng phá vỡ kỷ lục “ở lâu nhất dưới nước” tồn tại trước đó của hải tượng. Chúng có khả năng ở dưới nước 2 giờ 18 phút mà chưa cần ngoi lên để thở.

Cá voi mõm khoằm Cuvier có tên khoa học là Ziphius cavirostris, chúng thuộc họ Ziphiidae, bộ Cetacea. Đây là loài động vật có vú sống dưới nước được mô tả bởi G. Cuvier vào năm 1823. Mặc dù là loài sống gần mặt nước nhưng loài này thích nước sâu hơn 1.000m. Cơ thể của cá voi mỏ khoằm Cuvier là mạnh mẽ và hình điếu xì gà, chúng thường có chiều dài khoảng 6m và nặng khoảng 2.500kg.

2. Á quân: Cá nhà táng

Cá nhà táng
Cá nhà táng.

Với nghiên cứu của Gregory Schorr, cá nhà táng đã bị “cướp” mất ngôi đầu trong số những loài động vật có vú lặn sâu nhất thế giới. Mặc dù thế, độ sâu mà chúng có thể lặn tới vẫn rất ấn tượng, lên đến 2.250m.

Cá nhà táng có thể lặn sâu nhờ khả năng nín thở lên tới 90 phút. Cấu tạo cơ thể giúp cá nhà táng thích nghi tốt với sự biến thiên đột ngột về áp suất của nước. Lồng ngực linh hoạt giúp chúng tiết kiệm oxy và hạn chế hấp thụ nitơ. Ngoài ra, máu cá voi có lượng hồng cầu cao, giúp chúng mang thêm nhiều dưỡng khí.

3. Giải ba: Hải tượng

Những con hải tượng đang tắm nắng dưới bãi biển
Những con hải tượng đang tắm nắng dưới bãi biển.

Hải tượng hay voi biển là cách gọi thông dụng của một loài động vật có vú sống ở dưới nước là loài “moóc”. Trong số các loài hải tượng, hải tượng Thái Bình Dương (Northern Elephant Seal ) là có khả năng lặn sâu nhất. Chúng có thể lặn tới độ sâu 2.133m.

Vào những năm 1800, hải tượng Thái Bình Dương bị đứng bên bờ tuyệt chủng khi chúng bị săn bắt để làm dầu đèn. Ngày nay, số lượng loài động vật đang dần được phục hồi nhờ những đạo luật bảo vệ mới được ban hành.

4. Cá mập voi  (Rhincodon typus)

Cá mập voi
Cá mập voi lặn sâu để kiếm ăn. (Ảnh: Leith Holtzman)

Cá mập voi là loài cá lớn nhất lặn sâu nhất. Loài cá khổng lồ kiếm ăn kiểu lọc này thường lướt gần mặt nước hơn. Nhưng một nghiên cứu sử dụng thẻ để ghi lại chuyển động của cá mập voi phát hiện một số lần lặn cực sâu, sâu nhất là 1.928 m. Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết cá mập voi lang thang kiếm ăn ở lớp nước có tên lớp phân tán sâu.

5. 1.200m - Rùa da (Dermochelys coriacea)

Loài bò sát lặn sâu nhất là rùa da. Chúng có thể lặn sâu tới 1.200 m. Để tìm hiểu tại sao chúng làm được như vậy, nhóm tác giả của một nghiên cứu công bố năm 2010 gắn cảm biến gia tốc vào rùa cái làm tổ ở quần đảo Virgin. Họ nhận thấy chúng hạ thấp dần theo đường dốc ở giai đoạn bơi tích cực trước khi lượn quanh, sau đó lại ngoi lên chậm rãi để tránh bệnh giảm áp. Nhiệt độ cơ thể thấp của rùa cũng có thể giúp chúng tránh hình thành bong bóng nitrogen trong mạch máu.

6. 500m - Chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri)

Chim cánh cụt hoàng đế
Chim cánh cụt hoàng đế lao xuống nước. (Ảnh: David Herraez Calzada).

Rất ít loài kém nhanh nhẹn trên đất liền như chim cánh cụt. Không thể bay, loài chim vụng về này sải bước từ nơi này qua nơi khác, dường như tốn rất nhiều năng lượng trong khi chỉ tiến những bước nhỏ. Tuy nhiên, chúng khác hẳn khi ở dưới nước. Chim cánh cụt hoàng đến không phải loài bơi nhanh nhất, nhưng có thể lặn sâu và lâu hơn bất kỳ loài chim nào khác. Chúng có thể ở dưới nước trong 27 phút khi lặn xuống độ sâu lên tới 500 m nhờ hạ thấp nhịp tim từ 70 xuống 10 nhịp/phút, theo Đại học Bristol.

Cập nhật: 26/10/2024 Theo Kiến Thức/VNE
  • 4,73
  • 2.110