Từ lâu Vạn Lý Trường Thành được xem là một công trình kiến trúc độc đáo không chỉ của Trung Quốc mà của cả nhân loại. Và hầu hết mọi người tin rằng đây là công trình phát xuất từ ý muốn của một người duy nhất là Tần Thủy Hoàng, nhằm ngăn chặn rợ Hung Nô từ phương Bắc.
Tuy nhiên, mới đây, một viện sĩ thông tấn Mỹ đã căn cứ vào những sử liệu hiện có để khẳng định rằng đấy chỉ là một huyền thoại.
Năm 1969, khi đặt những bước đầu tiên lên mặt trăng và nhìn về hành tinh xanh thì con người mới rõ rằng họ chỉ nhìn thấy một công trình nhân tạo duy nhất, đó là Vạn Lý Trường Thành, như một con rắn uốn khúc qua hàng ngàn cây số hướng về phía Tây Trung Quốc. Bức tường thành đầy huyền thoại này một lần nữa kích thích lòng hiếu kỳ của hàng triệu du khách và hàng trăm nhà nghiên cứu, trong đó có Arthur Waldron, viện sĩ thông tấn của trung tâm nghiên cứu về Đông Á thuộc Trung Đại học Harvard, Mỹ.
Waldron đã tiến hành một cuộc nghiên cứu sâu rộng về cả hai mặt lịch sử và khảo cổ học để cuối cùng xác định rằng ý niệm về một bức tường thành duy nhất tồn tại suốt hàng chục thế kỷ qua chỉ là một huyền thoại.
Trong tác phẩm The Great Wall of China: From History to Myth (Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc: Từ lịch sử đến huyền thoại), Waldron đưa ra nhiều bằng chứng và luận cứ để chứng minh điều mà ông đã khẳng định. Theo ông, các thành lũy của Trung Quốc được xây dựng rải rác ở nhiều nơi và trong nhiều thời điểm khác nhau, kể từ năm 700 trước Công nguyên đến nay, nên sự hiện hữu của một bức tường thành với tính cách một kiến trúc duy nhất là không phù hợp với thực tế lịch sử.
Ông nhấn mạnh trước tiên đến sự kiện trong thời nhà Hán và suốt giai đoạn giữa của lịch sử Trung Quốc, không hề thấy có tài liệu nào nhắc nhở đến Vạn Lý Trường Thành. Khi quân Mông Cổ xâm lăng đất nước này vào thế kỷ 13, không có bức trường thành nào làm chậm bước tiến của họ. Các nhà văn Trung Quốc vào thời kỳ này thường dùng một loạt những từ ngữ khác nhau khi đề cập đến những bức thành và không có một cái tên duy nhất nào gợi lên ý niệm về một kiến trúc cổ được nhiều người biết đến. Nói cách khác, cách nay hàng trăm năm chưa hề có một từ hay một câu nào trong từ ngữ Trung Quốc tương ứng với từ Great Wall mà người phương Tây đã sử dụng gần đây.
Vào thời nhà Minh (1368 - 1644), trong những tài liệu ghi chép các cuộc thảo luận về chính sách phòng thủ biên giới, không thấy có chỗ nào đề cập tới Vạn Lý Trường Thành. Từ những chứng cứ trên và căn cứ vào các tài liệu sau này, Waldron khẳng định rằng phần lớn cái mà ngày nay ta gọi là Vạn Lý Trường Thành được xây dựng vào nửa sau thế kỷ 16, tức cuối thời nhà Minh. Thời đó, Trung Quốc có nhiều kế sách để đối phó với sự đe dọa của các dân tộc du mục phương Bắc: thương mại và ngoại giao; chinh phục gọn; và cô lập. Chính từ sự lựa chọn đối sách thứ ba mà các hoàng đế nhà Minh đã cố cách ly "những đám rợ phương Bắc bằng việc xây dựng trường thành". Và chỉ đến cuối thế kỷ 16, ranh giới của những khu vực mà bức trường thành đi qua mới có được hình ảnh như chúng ta thấy ngày nay.
Hồi thế kỷ 18, người ta phổ biến tại châu Âu những bản báo cáo chi tiết về việc làm thế nào mà Tần Thủy Hoàng có thể xây dựng trường thành, mặc dù không có một nguồn tư liệu xác thực nào cung cấp những chi tiết như thế. Sang thế kỷ 19, các nhà thám hiểm và các nhà bách khoa châu Âu đã nghĩ ra câu chuyện dân gian về bức trường thành của nhà Tần. Waldron khẳng định hiện nay những đường vòng của trường thành trên các tấm bản đồ in tại Bắc Kinh đã không căn cứ vào những cuộc khảo sát hiện tại mà lại dựa vào những cuộc khảo sát của các giáo sĩ dòng Tên (Jésuite) vào thời nhà Thanh (1644 - 1912). Ngay cả người Trung Quốc cũng không tin vào một xu hướng thích tạo chuyện giật gân như thế. Hồi cuối năm 1920, nhà thám hiểm Frederick Clapp từng được cư dân địa phương nhắc nhở rằng một phần tường thành mà ông tìm ra không phải là Vạn Lý Trường Thành của nhà Tần mà là một kiến trúc mới xây dựng sau này của nhà Minh. Vậy mà huyền thoại vẫn tiếp tục còn có đất sống và duy trì được tính hấp dẫn của nó. Ngày nay, những nỗ lực duy trì huyền thoại Vạn Lý Trường Thành vẫn được tiếp tục. Một quyển bách khoa toàn thư về kỳ quan này vừa được xuất bản và một quy tắc học thuật về "nghiên cứu Vạn Lý Trường Thành" đã được xác lập.
Tuy nhiên, kể từ khi tác phẩm của Waldron ra đời, bên ngoài Trung Quốc, các cuộc nghiên cứu nhằm xác định thực chất và huyền thoại Vạn Lý Trường Thành vẫn được đẩy mạnh và ngày càng đi xa hơn. Waldron cho rằng những cuộc nghiên cứu được đưa ra trong một hội nghị quốc tế tổ chức tại Bắc Kinh giả định rằng những thành lũy thời Chiến quốc được nối lại với nhau để trở nên một trường thành rộng lớn vào thời Tần là điều "đáng ngờ về phương diện khảo cổ học". Quan điểm của ông khá rõ ràng: "Vạn Lý Trường Thành được xây dựng phần lớn và hoàn chỉnh vào thời Minh, còn các thời Chiến quốc, Tần, Hán... chỉ mới phục hồi, liên kết một số thành cũ nằm rải rác mà thôi".