Sự thật về những "bông hoa" màu trắng nở rộ khi soi kính hiển vi đội quân đất nung

  •  
  • 1.453

50 năm trước, việc phát hiện ra Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng (hay Đội quân đất nung) đã gây chấn động thế giới khi đội quân Tần kích cỡ như người thật từ hơn 2000 năm trước bước lên khỏi mặt đất với đội hình bất khả chiến bại xếp hàng ngay ngắn, trang ngiêm và sống động như thật.

Yuan Zhong, năm nay 87 tuổi, là trưởng nhóm khảo cổ trong quá trình khai quật Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng, vì vậy ông được giới lịch sử và khảo cổ Trung Quốc tôn vinh là "Cha đẻ của Đội quân đất nung". 

Yuan Zhong từng cho biết ông sẽ không bao giờ quên những khoảnh khắc đưa hơn 8.000 chiến binh và ngựa đất nung bị chôn vùi dưới đất hàng ngàn năm lên mặt đất. Tất cả đã để lại ký ức sâu sắc và khó phai mờ cho những nhà khảo cổ tham gia quá trình khai quật.

Đội quân đất nung
Ảnh: J. Arpon

Mùa Xuân năm 1974. Thời điểm này là mùa canh tác bận rộn ở làng Tây Dương thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Để chống hạn hán, dân làng quyết định đào một cái giếng sâu vài mét. Tình cở, những mảnh tượng gốm xuất hiện dưới đáy giếng.

Vài tháng sau, tin tức truyền đến Cục Di tích Văn hóa tỉnh Thiểm Tây, họ lập tức cử Yuan Zhong dẫn đầu một nhóm khảo cổ đến làng Tây Dương để tiến hành khai quật. Kết quả là họ đã phát hiện ra các chiến binh và ngựa bằng đất nung khiến cả thế giới chấn động.

Đội quân đất nung Tần Thủy Hoàng đối mặt 3 "kẻ thù" lớn nhất

Khi các Binh mã đất nung lần đầu tiên xuất hiện, tất cả có đầy đủ các màu sắc lộng lẫy: Đỏ son, đỏ tím, xanh hồng, hồng tím, đen và các màu khác. Tuy nhiên, những gam sắc màu sống động này biến mất nhanh chóng chỉ sau 15 giây.

"Sự việc khiến toàn đội khảo cổ chỉ kịp thốt lên kinh ngạc mà không thể kịp lấy máy ảnh để chụp lại những bức tượng nguyên vẹn sắc màu nhất" - Các thành viên đội khảo cổ nhớ mãi khoảnh khắc đó một cách đầy tiếc nuối.


Những gam màu sống động trên tượng binh mã Tần Thủy Hoàng biến mất sau 15 phút khiến đội khảo cổ kinh ngạc.

Theo ghi chép lịch sử, màu sắc trên các chiến binh và ngựa đất nung của Tần Thủy Hoàng đã được xử lý đặc biệt. Trước khi nung, các nghệ nhân tạc tượng đã phủ một lớp sơn thô lên bề mặt, có thể kết dính và làm nổi bật màu sắc sau khi nung. Lớp sơn thứ hai sẽ làm cho màu sắc sống động và bền hơn, giúp hàng nghìn bức tượng không bị phai màu ngay cả khi bị chôn vùi dưới lòng đất hơn 2000 năm.

Ngày nay, hơn 1.000 chiến binh và ngựa đất nung được trưng bày trong Hố số 1 của Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng nhưng hiện tại màu sơn của tất cả bức tượng tại đây đã chuyển sang màu đen và xám.

Đối với các chuyên gia bảo tàng, màu sắc trên các chiến binh và ngựa đất nung đã vĩnh viễn biến mất và không thể khôi phục.

Chưa hết, công tác bảo tồn ngày nay vẫn phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những thay đổi về môi trường, vi sinh vật và muối hòa tan là ba kẻ thù lớn đang dần ăn mòn các Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng.

Những thay đổi về môi trường là nguyên nhân chính khiến các Chiến binh đất nung bị phai màu và ăn mòn, nhưng vi sinh vật và muối hòa tan lại gây ra thiệt hại nặng nề hơn hết. Nếu bạn đặt các chiến binh và ngựa đất nung dưới kính hiển vi điện tử, bạn sẽ thấy những “bông hoa” màu trắng nở trên bề mặt của chúng.

Các chuyên gia cho rằng, những “bông hoa” màu trắng này là bào tử nấm mốc hiện diện rộng rãi trong không khí, nếu gặp nhiệt độ và độ ẩm phù hợp chúng sẽ phát triển nhanh chóng.

Bào tử nấm mốc trên các bức tượng binh mã Tần Thủy Hoàng.
Bào tử nấm mốc trên các bức tượng binh mã Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Sohu).

Các bào tử nấm mốc này khi phát triển sẽ tiết ra một lượng lớn sắc tố và các chất axit-bazơ. Nếu tồn tại lâu trên bề mặt chiến binh đất nung và ngựa, chúng sẽ từ từ ăn mòn bên trong các chiến binh đất nung và gây ra những tổn hại không thể khắc phục.

Dù hiện nay bảo tàng đã hạn chế số lượng du khách và thường xuyên lau chùi bề mặt của các chiến binh, ngựa đất nung nhưng vẫn không thể hạn chế hoàn toàn thiệt hại do nấm mốc gây ra.

Mỗi lần đến thăm Bảo tàng Chiến binh và Ngựa đất nung Tần Thủy Hoàng, ông Yuan Zhong đều cảm thấy tiếc nuối, nghĩ rằng mình đã phạm sai lầm lớn trong quá trình khai quật. Vì khí đó ông chỉ đang cố gắng đào bới các di tích văn hóa dưới lòng đất mà không nhận thức rõ ràng về độ ẩm và nhiệt độ dưới lòng đất khác với trên mặt đất.

Đây là điều mà "Cha đẻ của Đội quân đất nung" cảm thấy day dứt và hối hận nhất khi tham gia khai quật một trong những di tích đồ sộ của thế giới.

Hiện, Trung Quốc tiếp tục quá trình tìm kiếm và tìm kiếm di tích tại khu vực này với những trang bị công nghệ hiện đại hơn nhằm bảo tồn càng nhiều tượng binh mã càng tốt.

Cập nhật: 25/05/2024 ĐSPL
  • 1.453