Sự thật về những ngọn đồi "huyền bí"

  •   3,73
  • 2.494

Ở một địa điểm thường được gọi là Mystery Spot ở Santa Cruz, Mỹ, du khách sẽ được mục kích một cảnh tượng khó tin: thả một quả bóng xuống chân dốc, nó sẽ từ từ bò ngược lên đỉnh như có ai đẩy phía sau...

Trong khu vực có diện tích vỏn vẹn 45 mét này, khách tham quan sẽ được chứng kiến nhiều chuyện lạ khác. Chẳng hạn, chiều cao của mỗi người thay đổi khi họ đi từ chỗ này sang chỗ khác, hay tất cả đồ vật, kể cả cây cối đều nghiêng so với mặt đất.

Một địa điểm khác là Mystery Hill ở bang Ohio, màn biểu diễn ngoạn mục nhất của hướng dẫn viên du lịch là mở vòi cho dòng nước chảy dần từ chân lên đỉnh đồi. Ngoài ra còn vô số những hiện tượng lạ thường khác như một con lắc chỉ xoay theo hướng nam hay chiều cao của một người có thể tăng lên hoặc giảm đi vài centimét theo vị trí đứng, cho dù mặt đất dưới chân du khách hoàn toàn bằng phẳng. Tại đây, nếu bạn đỗ xe dưới chân đồi mà quên cài tay phanh thì một lát sau bạn có nguy cơ phải lên đỉnh đồi tìm xe vì nó đã tự trôi lên đó.

Và không chỉ có hai khu trên, rất nhiều địa điểm ly kỳ tương tự như vậy phân bố khắp nơi trên khắp thế giới, từ Australia tới Trung Quốc, Ba Lan, Mỹ, Brazil..

Theo giải thích trên website chính thức của Mystery Spot ở Santa Cruz thì nguyên nhân của những hiện tượng kỳ lạ này là cấu tạo địa chất khác thường, bên dưới mặt đất có một số kim loại có nguồn gốc vũ trụ dẫn đến trọng lực của trái đất ở đó bị nhiễu loạn. Cách giải thích vừa có vẻ khoa học, vừa mang màu sắc huyền bí này đã thuyết phục được rất nhiều người. Họ không hề biết rằng đó chẳng qua chỉ là một chiêu quảng cáo để thu hút khách du lịch.

Trên thực tế, dù trọng lực không bằng nhau ở mọi điểm trên trái đất, song sự khác biệt không lớn đến mức có thể kéo nước chảy từ chỗ thấp lên chỗ cao hay đẩy một chiếc xe hơi bò ngược lên đỉnh đồi.

Mặt đất "nghiêng" tại khu Mystery Spot.
(Ảnh: drzeus.best.vwh.net)

Chỉ là mẹo lừa ảo giác

Tất cả những hiện tượng kỳ lạ ở trên không hề có nguyên nhân siêu nhiên, cũng chẳng phải là vấn đề khoa học, mà chỉ là một vài mẹo nhỏ trong việc bố trí cảnh quan nhằm tạo ảo giác. Những nơi mà du khách tưởng là mặt đất phẳng nằm ngang hoàn hảo hoặc đường lên dốc thực ra lại là mặt phẳng nghiêng hoặc những đoạn xuống dốc.

Điều cốt yếu để đánh lừa thị giác của du khách là phải giấu được đường chân trời. Người ta có thể làm việc đó bằng cách bố trí các bức tường, bụi cây, ụ đất đá che khuất tầm nhìn. Không có đường chân trời làm mốc, du khách không thể phát hiện được mình đang đứng trên mặt phẳng nằm ngang hay nằm nghiêng cũng như địa hình dốc lên hay dốc xuống. Để gây ấn tượng mạnh, người ta còn có thể tạo ra những đường chân trời giả cũng bằng kỹ thuật sắp đặt cảnh quan. Khi đó, hướng dẫn viên chỉ cần thả một quả bóng cho nó trôi từ từ xuống dốc đúng theo quy luật tự nhiên cũng có thể khiến du khách trầm trồ vì cứ ngỡ nó đang tự bò lên dốc.

Theo Paranormal, Khoa học và Đời sống, VNE
  • 3,73
  • 2.494