Nguồn gốc của một vài truyền thuyết đô thị đáng sợ nhất, đôi khi lại xuất phát từ chính sự kiện có thật và ảnh hưởng đến cả thực tế.
"Truyền thuyết đô thị" là những câu chuyện phần lớn mang hơi hướng kinh dị được lan truyền trong xã hội, thay đổi theo thời gian. Mặc dù phần lớn là hư cấu và không có tính xác thực, nhưng do được chia sẻ rộng rãi nên chúng trở nên nổi tiếng và thu hút rất nhiều sự quan tâm và hiếu kỳ của mọi người. Phía sau một số truyền thuyết đô thị phổ biến nhất, đôi khi lại xuất phát từ chính sự kiện có thật và ảnh hưởng đến cả thực tế.
Khác với những truyền thuyết truyền miệng khác, Slender Man chính xác được bắt nguồn từ một tấm ảnh được chỉnh sửa trên mạng. Tháng 6/2009, một trang web đã tổ chức cuộc thi photoshop, với yêu cầu người dùng sẽ thử thách chụp những bức ảnh bình thường và chỉnh sửa thêm những chi tiết huyền bí vào để chúng trở nên đáng sợ hơn. Lấy cảm hứng từ hai nhà văn kinh dị nổi tiếng HP Lovecraft và Stephen King, thí sinh tên Eric Knudsen đã thiết kế ra một nhân vật cao, gầy và kỳ quái với gương mặt nhẵn thín. Vậy là Slender Man ra đời.
Slender Man, một nhân vật của trí tưởng tượng nhưng gieo rắc nỗi khiếp sợ cho nhiều người. (Ảnh: The Sun).
Dần dà, thiết kế đặc biệt của Eric Knudsen được đón nhận đông đảo trên internet, những bộ phim ngắn và câu chuyện ma quái được thêu dệt ăn theo nhân vật Slender Man cũng được tạo ra. Câu chuyện kỳ bí còn được phát triển thành Slender Man sẽ thường vẫy gọi trẻ em vào rừng và ra lệnh cho chúng đi sát hại người khác.
Vốn dĩ chỉ là những câu chuyện mang tính doạ dẫm vô thưởng vô phạt, nhưng không ai ngờ cuối cùng nó lại biến thành điều tồi tệ thực sự. Ngày 30/5/2014, hai cô bé 12 tuổi ở là Morgan Geyser và Anissa Weier đã tin vào truyền thuyết đô thị đáng sợ này và dụ một người bạn vào khu rừng bên ngoài vùng ngoại ô Milwaukee (Mỹ), định sát hại bạn mình để làm vật hiến tế cho Slender Man. Nạn nhân Payton Leutner (12 tuổi) bị đâm 19 nhát dao và bỏ lại trong rừng. May mắn thay, Leutner vẫn sống sót và được người dân phát hiện rồi gọi cấp cứu khi cố lê mình đến con đường gần đó. Bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết Anissa Weier không phải chịu trách nhiệm hình sự vì mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng, còn Morgan Geyser bị kết án 40 năm tù giam.
Morgan Geyser nhận tội trong phiên toà 5/10/2017. (Ảnh: ATI).
Hầu như mọi đứa trẻ lớn lên ở phương Tây đều quen thuộc với truyền thuyết đô thị đáng sợ về một người phụ nữ được gọi là Bloody Mary (Mary khát máu). Truyền thuyết kể rằng, nếu đứng trong tủ quần áo chật chội hoặc trước gương trong phòng tắm không có ánh đèn, lặp đi lặp lại cái tên “Bloody Mary” 3 lần (có lời kể là 13 lần) sẽ triệu hồi linh hồn báo thù của một người phụ nữ - Nữ hoàng Mary I của nước Anh.
Câu chuyện bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử có thật thời Trung cổ liên quan Mary I - nữ vương đầu tiên chính thức nhận ngai vị trị vì lãnh thổ Anh. Những năm tháng đầu đời, Mary I sống trong nỗi đau và sự cô lập vì không nhận được sự công nhận của cha mình - Vua Henry VIII. Sau khi em trai cùng cha khác mẹ của Mary là Edward VI - người kế vị của vua cha qua đời, Mary đã nắm bắt cơ hội, dẫn một đội quân vào London vào năm 1553 và thành công ngồi lên ngai vàng.
Trong thời gian trị vì, bà đưa ra một loạt cải cách nhưng đều vấp phải làn sóng phản đối của người dân, đặc biệt là việc đàn áp đạo Tin lành. Chỉ trong vòng 3 năm từ 1555 - 1558, bà đã ra lệnh thiêu sống gần 300 người theo đạo Tin lành. Đó cũng chính là lý do khiến nữ vương này được gọi là "Mary khát máu".
Mary I kết hôn với Philip II của Tây Ban Nha, nhưng cuối cùng bị chồng ruồng bỏ vì không sinh được con rồi qua đời ở tuổi 42. Thế nên, trong các phiên bản truyền thuyết đô thị sau này, nhiều người cho rằng Bloody Mary trong gương thường được mô tả là hồn ma đang ôm con hoặc đang tìm kiếm con.
Chân dung Nữ hoàng Mary I của nước Anh. (Ảnh: ATI).
Ngày 8/12/1895, một câu chuyện đăng trên tờ Boston Sunday Post có tựa đề “Những điều kỳ diệu của xã hội hiện đại” kể về việc một người đàn ông tên Edward Mordrake có có khuôn mặt thứ hai ở sau đầu. Khuôn mặt đó sẽ thì thầm “những điều mà người ta chỉ nói ở địa ngục” với Mordrake tội nghiệp vào ban đêm và chế nhạo mỗi khi người này khóc.
Bị khuôn mặt làm cho phát điên, Mordrake đã tự tử ở tuổi 23. Trong bức thư tuyệt mệnh của, Mordrake cầu xin hãy tiêu hủy khuôn mặt đó, "kẻo nó tiếp tục thì thầm những lời khủng khiếp trong mộ tôi". Sau đó, hai bác sĩ George M. Gould và Walter L. Pyle đã mang câu chuyện này vào cuốn sách "Những điều dị thường và gây tò mò của y học" xuất bản năm 1896.
Mặc dù nhân đôi gương mặt là một hiện tượng sinh học có thật, nhưng những người sinh ra với một khuôn mặt phụ hiếm khi sống lâu và không khuôn mặt nào có khả năng nói độc lập vì chỉ có một bộ não. Phải đến năm 2015, Museum of Hoaxes (trang web chuyên thảo luận về tính xác thực của những trò lừa bịp hay truyền thuyết đô thị) mới phát hiện ra rằng bài báo gốc được đăng trên tờ Boston Sunday Post về Mordrake thực ra là sản phẩm của một nhà văn khoa học viễn tưởng và chuyện này hoàn toàn vô căn cứ. Ngoài ra, bài báo này còn trích dẫn thông tin từ Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh - một trong những nguồn quan trọng nhất của bài viết trong khi tổ chức này không tồn tại.
Tượng sáp mô phỏng hình ảnh của Edward Mordrake. (Ảnh: ATI).
Chupacabra là một loài vật nổi tiếng trong văn hóa dân gian Puerto Rico, được cho là ăn mọi thứ từ gà, cừu đến thỏ và chó. Nó được miêu tả là sinh vật đáng sợ có hình dáng giống kangaroo, da có vảy, đuôi có gai, răng nanh nhọn hoắt và hai mắt đỏ sọc như máu. Mặc dù nhiều người hoài nghi và coi chupacabra là một truyền thuyết đô thị, thì có một bộ phận khác cho rằng động vật trong trang trại của họ đã thực sự bị con quái vật bắt mất và sau đó chỉ tìm thấy những xác chết cạn máu.
Một trong những trường hợp nhìn thấy chupacabra sớm nhất được ghi nhận xảy ra ở thị trấn nhỏ Moca vào năm 1975, người ta tìm thấy gia súc đã cạn kiệt máu chỉ với một vài vết thủng nhỏ trên ngực.
Sau đó, vào năm 1995, một người phụ nữ tên Madelyne Tolentino sống ở Canóvanas, Puerto Rico đã nhìn qua cửa sổ nhà mình vào thấy một sinh vật hai chân nhảy qua, cô còn ngửi thấy mùi như lưu huỳnh. Những người chứng thực lời Madelyne Tolentino nói và bổ sung thêm rằng sinh vật họ nhìn thấy không có lông.
Cùng năm đó, tám con cừu được phát hiện đã chết, mỗi con có ba vết cắn ở ngực và được cho là đã cạn máu hoàn toàn. Theo báo cáo, có tới 150 động vật trang trại và thú cưng đã bị giết theo cách này ở thị trấn Tolentino vào năm đó.
Người ta vẫn nói về các trường hợp nhìn thấy chupacabra đến tận thời hiện đại ở trên toàn thế giới. Vào tháng 10 và tháng 12/2018, đã có nhiều báo cáo về các vụ tấn công bị nghi ngờ là do chupacabra ở Manipur, Ấn Độ. Và vào tháng 10/2019, một người đàn ông tên Mundo Ovni được cho là đã quay lại được một vụ tấn công gà ở khu vực Seburuquillo của Lares, Puerto Rico.
Hình ảnh minh hoạ về quỷ hút máu dê chupacbra. (Ảnh: ATI).
Nhà văn người Mỹ Benjamin Radford luôn cảm thấy nghi ngờ về sự tồn tại của nhân vật này nên đã bắt tay vào cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều năm. Cuối cùng ông đi đến kết luận rằng huyền thoại đô thị này hoàn toàn là điều bịa đặt do trí tưởng tượng của người dân.
Tuy nhiên, các thông tin về chupacabra trên khắp nước Mỹ vẫn tiếp tục kéo dài đến những năm 2000 khi nông dân tìm thấy thi thể của những sinh vật bốn chân không có lông với làn da trông như bị cháy nắng. Nhưng các nhà chức trách đã xác định những sinh vật này là những con sói đồng cỏ mắc bệnh ghẻ khiến chúng trở nên loang lổ, có vảy và phần lớn không có lông. Bất chấp lời giải thích này, truyền thuyết đô thị đáng sợ vẫn chưa bị bác bỏ hoàn toàn.
Chó sói đồng cỏ bị bệnh ghẻ lở, được xác định là giống với miêu tả về chupacabra. (Ảnh: CBS).