Sự tồn tại của linh hồn, sự sống?

  •  
  • 9.789

Khám phá những bước tiến của các nhà khoa học trong việc giải quyết những vấn đề khoa học hóc búa nhất trong lịch sử nhân loại trong 10 năm qua.

Con người có thể tạo ra sự sống hay không?

Cho đến nay, con người vẫn chưa cách nào biết được sự sống đã khởi nguồn như thế nào trên Trái đất hay thậm chí có phải nó khởi nguồn từ một hành tình khác và được một ngôi sao chổi mang tới Trái đất. Ở thời điểm hiện tại, con người đã hiểu thành phần tất yếu của sự sống cũng như những kết cấu phân tử sinh vật mà chúng tạo thành, đồng thời con người cũng biết rằng những kết cấu này đã tạo thành một chỉnh thể như thế nào. Tuy nhiên, sự sống được tạo ra như thế nào thì con người vẫn chưa thể trả lời được.

Bước đột phá trong việc sáng tạo nên sự sống từ hóa chất tổng hợp được ghi nhận vào tháng 5 năm ngoái khi nhà di truyền học nổi tiếng J. Craig Venter và các đồng sự của mình tuyên bố họ tạo ra tế bào sống nhân tạo.

Hình thức của sự sống nhân tạo này được gọi là “thể tổng hợp” (Synthia). Do nó đòi hỏi cơ chế của phần còn lại của một tế bào đã tồn tại trong tự nhiên trước đó, nên các nhà khoa học lại quay trở lại với vạch xuất phát ban đầu.

Venter không tạo nên sự sống”, Arthur Caplan, một nhà lý luận sinh vật học thuộc Đại học Pennsylvania nói, “Tuy nhiên, nghiên cứu của ông cho thấy, một bộ gen nhân tạo có thể cung cấp những động lực học. Đó là một bước quan trọng để tiến gần đến mục tiêu sáng tạo nên sự sống”.

Linh hồn có tồn tại hay không?

Những tiến triển trong việc sáng tạo nên sự sống nhân tạo khiến việc định nghĩa sự tồn tại của một cá thể chỉ có thể thông qua một phương pháp duy nhất là cá thể đó có khả năng tư duy hay không. Điều này như một hệ quả tất yếu sẽ dẫn tới một vấn đề mà người ta đã tranh cãi từ hàng ngàn năm nay, đó là có hay không sự tồn tại của linh hồn và chúng ta định nghĩa linh hồn như thế nào? Một dự án về lý luận thần kinh học đang được tiến hành nhằm giải quyết câu hỏi hóc búa này.

Tác giả của “Nguyên lý lý luận thần kinh học” (Principles of Neurotheology), Andrew Newberg và các đồng sự của ông đang tiến hành nghiên cứu những hình ảnh chụp não bộ của các tăng lữ ở Tây Tạng, ni cô của Phật giáo và những người theo Cơ đốc giáo.

Mười năm trước, Newberg đã tiến hành nghiên cứu não bộ của hơn 130 người. Giờ đây, ông và các đồng sự của mình sẽ tiếp tục nghiên cứu rộng rãi mạng lưới kết cấu của não bộ những người có liên quan đến tôn giáo và các trạng thái tinh thần khác.

Newberg cho rằng, nếu phát hiện ra não bộ đã hoạt động như thế nào để phục vụ cho tôn giáo, khoa lý luận thần kinh học sẽ có thể giải đáp mối quan hệ giữa não bộ, cơ thể với hoạt động của linh hồn.

Ngoài ra, một số các nhà khoa học còn có ý định phân tích sự tạo thành của linh hồn và ý thức thông qua cơ học lượng tử. Theo lý thuyết truyền thống, kết cấu của ý thức được tạo thành dựa trên lý thuyết vật lý học cổ điển, nghĩa là, sự hình thành của tư duy con người được tạo thành từ hệ thống hàng tỷ nơron thần kinh.

Stuart Hameroff, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ý thức của Đại học Arizona cho biết: “Hầu hết mọi người đều cho rằng ý thức nảy sinh từ sự kết hợp giữa các nơron thần kinh trong não bộ”. Tuy nhiên, Roger Penrose và Hameroff đã đưa ra một lý thuyết mới về ý thức, tức lý luận Orch OR. Lý luận ý thức lượng tử đã cấp cho kết cấu của các tế bào nhỏ một chức năng quan trọng, đó là “vi quản” (microtubules).

Những vi quản này sẽ hợp thành “bộ khung” cho phần bên trong các tế bào của chúng ta. Lý luận này cho rằng, ý thức của con người cũng phụ thuộc vào những phép tính lượng tử của các “vi quản” bên trong các nơron thần kinh.

Có tồn tại sự sống ngoài Trái đất hay không?

Rất nhiều nhà thiên văn học đều tuyên bố, bên ngoài Trái đất chắc chắn có tồn tại sự sống. Tuy nhiên, nếu như bị đặt câu hỏi, khi nào thì con người mới có thể phát hiện người ngoài hành tinh thì họ đều trả lời rằng, rất ít khả năng. Song những phát hiện gần đây lại đang nhóm lên hy vọng có thể tìm thấy sự sống ngoài hành tinh.

Theo quan điểm xác suất, nếu như chúng ta phát hiện càng nhiều ngôi sao thì các hành tinh cũng càng nhiều, từ đó, khả năng tồn tại của sự sống ngoài hành tinh cũng càng lớn.

Vào cuối năm 2010, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, số lượng các ngôi sao trong vũ trụ nhiều hơn gấp nhiều lần so với những tính toán trước đó. Những ngôi sao nhìn có vẻ tối và những sao lùn đỏ có khối lượng nhỏ hơn Mặt trời của chúng ta đương nhiên không phải là nơi thích hợp để hình thành sự sống, tuy nhiên, chúng có thể trở thành những sao chính của những hành tinh thích hợp để cư trú.

Việc phát hiện Sao lùn đỏ Gliese 581 đã khiến các nhà thiên văn học vô cùng vui sướng. Vào tháng 4 năm ngoái, các nhà thiên văn học tuyên bố, họ đã phát hiện hành tinh thứ 6 thuộc hệ sao này. Hành tinh mang ký hiệu Gliese 581 g này được coi là hành tinh đầu tiên thích hợp với sự sống ngoài hệ Mặt trời.

Gliese 581 g có khối lượng cao gấp 3 - 4 lần so với Trái đất, bán kính vào khoảng 1,2 - 1,5 Trái đất. Nếu như có thể chứng minh hành tinh này là một hành tinh nham thạch thì rất có thể đây sẽ là một hành tinh thích hợp để cư trú.

Không lâu trước đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cho công bố một phát hiện gây tranh cãi, đó là loài vi khuẩn được đặt tên là GFAJ-1 có thể phát triển trong môi trường thạch tín (asen), thậm chí có thể đưa chất này vào trong cấu trúc ADN của chúng, trong khi asen đối với hầu hết các sinh vật đều là chất cực độc. Phát hiện này đã gây ra những tranh luận kịch liệt bởi vì trước đó khó có thể tưởng tượng rằng sự sống có thể đa dạng như vậy. Seth Shostak một nhà thiên văn học có thâm niên trong Dự án tìm kiếm trí tuệ ngoài hành tinh (SETI) nói: “Dù cho sống ở nơi nào đi nữa thì sự sống vẫn tìm được cái để ăn”.

Theo Vietnamnet
  • 9.789