Sự trùng hợp kỳ lạ của hai bậc thiên tài

  •   32
  • 9.542

“Những từ tưởng lớn thường gặp nhau”. Tư tưởng của Hồ Chủ tịch và của ông Lý Quang Diệu là những tư tưởng lớn nên đã “gặp nhau”.

>> Những phát ngôn nổi tiếng của cựu thủ tướng Singapore

Sự trùng hợp kỳ lạ về tư tưởng của Hồ Chủ tịch và ông Lý Quang Diệu

Sự trùng hợp kỳ lạ của hai bậc thiên tài

“Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Đó là câu nói của ông Lý Quang Diệu khi thăm Việt Nam năm 2007.

Một câu nói tuyệt vời của một tư tưởng vĩ đại và hoàn toàn có thể hiểu ngược lại, thậm chí rộng hơn: “Thất bại trong giáo dục là thất bại không chỉ của kinh tế mà là sự thất bại toàn diện”.

Ông Lý Quang Diệu đã nói câu trên bằng chính sự trải nghiệm thực tế của mình. Ngay từ những ngày đầu dành độc lập, với cương vị Thủ tướng, ông đã đề ra hàng loạt chính sách để trọng dụng nhân tài, tiếng Anh và quan điểm phát triển giáo dục.

Về trọng dụng, thu hút nhân tài, ông Lý đã có những chỉ đạo quyết liệt và cụ thể nên rất có hiệu quả ở cả hai phương diện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong nước đồng thời biến Singapore trở thành “vùng trũng”, hội tụ tài năng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thậm chí, là một đất nước có diện tích rất nhỏ bé nhưng Singapore vẫn cho phép và mời gọi những nhà khoa học, kỹ thuật lớn đến nhập cư, chấp nhận những cư dân trong khu vực, đặc biệt là những công dân đến từ Ấn Độ.

Ông cho lập 2 ủy ban trong đó một ủy ban có nhiệm vụ giúp những người có năng lực làm đúng nghề và một ủy ban kết hợp họ lại thành một xã hội thu nhỏ.

“Nếu không lấp vào chỗ trống bằng những tài năng nước ngoài, chúng tôi không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được. Họ chính là những megabytes bổ sung cho chiếc computer Singapore”. Ông Lý Quang Diệu thẳng thắn bày tỏ.

Một trong những quyết định được cho là “then chốt” để Singapore bắt nhịp sự phát triển của thế giới, đó là chọn tiếng Anh làm một trong bốn loại ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở Đảo quốc Sư tử.

Với phương châm “Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây” nên trong tất cả các trường học ở Singapore đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. Điều này trái ngược hẳn với Malaysia dùng ngôn ngữ bản địa và hậu quả thì như mọi người đã biết.

Cũng trong lần thăm Việt nam năm 2007, ông Lý Quang Diệu đã có những chia sẻ rất tâm huyết: “Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”.

Điều kỳ lạ là dù tuổi đời cách nhau 33 năm, những điều ông Lý Quang Diệu (1923) nói hầu như trùng hợp với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890).

Về giáo dục, ngay từ những ngày đầu dành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 01 của nước Việt nam dân chủ cộng hòa về “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”.

Điều này có thể hiểu là ưu tiên diệt giặc đói là số một, số hai là giặc dốt và thứ ba là giặc ngoại xâm.

Về trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cử nhiều sinh viên ra nước ngoài học tập mà còn thu hút nhiều nhân tài về nước đóng góp cho Tổ quốc như các Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của…

Đối với giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ bảo rất cụ thể và cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí còn đầy tính thời sự khi sự quá tải đang trở thành “hiểm họa”: “Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.

Về đào tạo nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.

Trong suốt cuộc đời mình và cho đến khi từ giã cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mong muốn lớn nhất: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”..

“Những từ tưởng lớn thường gặp nhau”. Tư tưởng của Hồ Chủ tịch và của ông Lý Quang Diệu là "những tư tưởng lớn nên đã “gặp nhau”.

Theo Dân Trí
  • 32
  • 9.542