"Sương mù não" - di chứng Covid y học chưa thể lý giải

Sương mù não là gì?
  •  
  • 402

Sau mắc Covid-19, chị Liên, 44 tuổi, vật lộn với từ vựng, thường xuyên gặp khó trong việc tìm đúng từ hay gọi sai tên vật dụng, như gọi "cái kéo" thì nhầm thành "con dao".

Khỏi Covid-19 chưa bao lâu, chị Liên thường xuyên đau đầu, mất ngủ, cảm giác lú lẫn, mất trí nhớ vì không thể nhớ tên và chỗ để các vật dụng thông thường, đôi lúc còn quên việc mình đã từng làm, quên tên người thân. Khi đọc sách, có những đoạn chị không hiểu mình đang đọc gì. Sau đó, chị bắt đầu thấy khó khăn trong giao tiếp khi không thể diễn đạt được đúng ý mình muốn, việc nấu ăn hàng ngày cũng trở nên tốn thời gian hơn khi chị không thể tập trung được như trước đây.

Tâm trạng chị cũng thay đổi, thường xuyên chán nản hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực. Chị cũng dễ dàng bực tức cáu gắt hơn khi tình trạng suy giảm trí nhớ làm xáo trộn cuộc sống thường ngày. "Tôi cảm giác mình như một người già", chị nói với bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (chuyên gia điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), trực tiếp tư vấn điều trị trường hợp này, cho biết bệnh nhân gặp hiện tượng "sương mù não" (brain fog), một trong những di chứng hậu Covid-19. "Sương mù não" là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng thiếu máu não và rối loạn hệ thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ, người mắc có thể cảm thấy thiếu minh mẫn, khó tập trung, mất nhiều thời gian hơn khi nhớ tên một ai đó hoặc thường bất chợt quên việc mình định làm...

Bác sĩ Hoàng cũng đang điều trị cho bà Nhung, 67 tuổi, bệnh nền tăng huyết áp, cũng bị di chứng "sương mù não". Sau khỏi Covid-19, bà cố gắng làm việc nhà nhưng cơ thể đau nhức và mệt mỏi kéo dài. Trong nhiều cuộc nói chuyện, bà đã thường xuyên phải dừng lại vì không biết cách nào để tiếp tục rồi cứ lặp đi lặp lại lời mình nói. Bệnh nhân thường xuyên đặt đồ vật ở những nơi lạ, làm mất đồ và không thể tìm lại.

Trung bình một ngày, bác sĩ Hoàng nhận 50-60 cuộc gọi liên quan Covid-19, trong đó 15-20% là người bị di chứng "sương mù não". Hiện tượng này gặp ở cả người cao tuổi và người trẻ, bệnh nhân nặng và bệnh nhân nhẹ, thường xuất hiện ngay khi đang mắc Covid-19 hoặc sau khỏi bệnh vài ngày.

Bác sĩ điều trị, chăm sóc người bệnh tại Trung tâm hồi sức Covid-19
Bác sĩ điều trị, chăm sóc người bệnh tại Trung tâm hồi sức Covid-19 ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM (TP Thủ Đức), tháng 9/2021. (Ảnh: Quỳnh Trần)

"Sương mù não" nói chung vẫn là một bí ẩn đối với giới y khoa vì các triệu chứng rất đa dạng. Tình trạng "sương mù não" hậu Covid dường như hay gặp trên các bệnh nhân tuổi trung niên có bệnh nền là đái tháo đường, tăng huyết áp.

Bác sĩ Hoàng cho biết, ngoài các biểu hiện hay gặp như giảm tập trung, giảm độ minh mẫn khi làm việc, suy giản trí nhớ... thì bệnh liên quan đến nhiều triệu chứng toàn thân chứ không riêng một bộ phận cơ thể nào, ví dụ tim đập nhanh, hồi hộp, phổi đôi lúc khó thở, co thắt, tay chân run... Một số triệu chứng của "sương mù não" như nặng đầu, váng đầu, chóng mặt, mất ngủ, rối loạn tâm lý, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động như run ngón tay...

Nguyên nhân của "sương mù não" có thể liên quan đến việc các tổ chức, tế bào thần kinh bị virus xâm nhập và tình trạng viêm lan tỏa (bao gồm cả hệ thống thần kinh) do hậu quả của Covid. "Sương mù não" cũng được cho là do bệnh nhân bị lo lắng, căng thẳng dẫn đến ăn ngủ kém, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi. Ngoài ra, khi nhiễm bệnh, các mạch máu, nhất là các mạch máu nhỏ, bị tổn thương hậu Covid-19, khiến khả năng lưu thông máu lên não kém đi, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, thiểu năng tuần hoàn não, làm nặng nề hơn tình trạng "sương mù não".

Ở những bệnh nhân nặng, tình trạng thiếu hụt oxy sẽ gây ảnh hưởng đến các mô não, để lại di chứng "sương mù não". Bên cạnh đó, nguyên nhân khác có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc an thần, thuốc trong điều trị hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân nặng.

Một số nghiên cứu trên thế giới cho rằng sau nhiễm Covid-19, các phản ứng miễn dịch của mọi người vẫn đang được kích hoạt dai dẳng, phản ứng này có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào. Các phân tử viêm được giải phóng trở thành chất độc, đặc biệt đối với não, gây nên hiện tượng "sương mù não". Giả thuyết khác được đưa ra là tình trạng tự miễn, khi các kháng thể tấn công nhầm vào tế bào thần kinh. Các triệu chứng như tê buồn, ngứa ran chân tay có thể xảy ra khi dây thần kinh bị tổn thương, gửi tín hiệu sai đến não bộ. Một số người bị "sương mù não" vẫn gặp các vấn đề về tim phổi, làm trầm trọng thêm các triệu chứng thần kinh.

Tình trạng "sương mù não" sẽ dần được cải thiện trong vài tháng, song cũng có thể bị tái diễn khi có tác nhân kích thích hoặc căng thẳng quá mức. Người bệnh nên tăng cường luyện tập thể dục nhẹ nhàng để giúp đầu óc thoải mái, chơi các trò chơi như đố chữ hoặc nghe nhạc để kích thích trí óc làm việc, ăn các thực phẩm giàu Omega-3 và giàu các chất chống oxy hóa để giảm bớt tình trạng "sương mù não". Bác sĩ Hoàng khuyến cáo người gặp tình trạng "sương mù não" cần đi khám sớm để loại trừ bệnh lý khác và điều trị các vấn đề về thần kinh. Cách hiệu quả nhất để hạn chế ảnh hưởng của Covid-19 vẫn là tiêm vaccine và tuân theo các khuyến cáo phòng dịch.

* Tên nhân vật được thay đổi

Cập nhật: 18/01/2022 Theo VNE
  • 402