Người da đỏ - hay người Mỹ bản địa đã từng có những suy nghĩ rất cấp tiến về giới tính. Họ không hề có một chút kỳ thị nào đối với những người thuộc giới LGBT.
Chúng ta có hai giới tính: nam và nữ. Đó là quan niệm cố hữu xưa nay, trong đó đặc điểm sinh học là cái chân thực nhất chứng minh cho quan niệm đó.
Nhưng cảm xúc không hề có định nghĩa. Liệu những khái niệm kia có đúng với những gì con người cảm thấy không? Trong thời đại hiện nay, nhờ sự dũng cảm của cộng đồng LGBTQ+, chúng ta được biết nhiều hơn thế. Khái niệm về người chuyển giới, người không rõ giới tính của mình hoặc có cả hai giới tính… dần được biết đến rộng rãi hơn.
Chỉ có điều, tưởng như đây là những quan niệm thời hiện đại, thời đỉnh cao của tự do và văn minh mà trước đây chưa hề có, thì hóa ra quan niệm về giới tính và xu hướng tính dục kia đã xuất hiện trong văn minh nhân loại từ rất lâu.
Và tin được không, người da đỏ - hay còn gọi là người Anh Điêng (Indian) hoặc người Mỹ bản địa đã có quan niệm hết sức đặc biệt về 5 giới của con người, vào thời điểm trước khi bị người châu Âu xâm lược.
Trước hết, hãy tìm hiểu qua về lịch sử nước Mĩ để hiểu được bối cảnh lúc bấy giờ. Câu chuyện bắt đầu từ khi nước Mỹ còn chưa ra đời, còn nước Anh đã phát triển vô cùng giàu có.
Khi ấy nước Anh là một trong những quốc gia lớn mạnh nhất nhì thế giới, nắm trong tay không ít thuộc địa. Vào đầu thế kỉ 18, 13 thuộc địa tại châu Âu được chính phủ Anh cho di dân ra dọc bờ biển Đại Tây Dương, chính là khu vực eo nước Mỹ ngày nay.
Trong quá trình đó, người dân Mỹ bản địa bị người Anh đánh đuổi phải chạy về phía Tây. Họ vốn là bộ lạc người da đỏ vốn sinh sống và làm chủ tại đây từ xa xưa. Do sự áp đảo về lực lượng và vũ khí hiện đại của thực dân Anh, họ buộc phải rời bỏ quê hương, dời đi nơi khác.
Cùng là người Mỹ, nhưng người bản địa và người di cư là 2 khái niệm khác hẳn nhau.
Sau này, khi 13 thuộc địa vùng lên giành độc lập khỏi tay Anh Quốc chính là lúc nước Mỹ – Hợp Chủng Quốc Hoa Kì mà chúng ta biết đến ngày nay – ra đời.
Người dân Hoa Kì là người Mĩ di cư, do họ vốn là dân châu Âu khi xưa bị ép phải di dời sang châu Mĩ. Đây chính là lí do tại sao người ta vẫn gọi nước Mỹ là "đất nước của những người di cư".
Tuy về vật chất họ nghèo hơn người Mỹ di cư – nhưng nền văn hóa của họ có thể nói là đáng tự hào. Trong đó, nổi bật nhất chính là cách người da đỏ suy nghĩ về đặc điểm cơ bản nhất của con người: giới tính.
Trong xã hội ấy, một người được cộng đồng đánh giá dựa trên cống hiến cho bộ lạc chứ không phải sự nữ tính hay nam tính. Bố mẹ cũng không "chỉ định" một giới tính nào sẵn cho con. Và hơn nữa, quần áo của trẻ con thường trông khá "trung tính" - tức là không rõ ràng thành đồ "cho con trai", "cho con gái".
Đến khi đã lớn và nhận thức rõ ràng về giới của mình, họ mới mặc những quần áo có tính nữ hoặc tính nam.
Người da đỏ xưa kia có một quan niệm rất thoáng về giới tính.
Hơn nữa, họ cũng không có khái niệm cho một người phải sống thế nào và yêu ai. Tất cả chỉ đơn giản theo những cảm xúc chân thành nhất trong lòng, không chút do dự hay đánh giá. Theo quan niệm của họ, mỗi người có thể có 1 trong các định dạng giới sau: nam, nữ, người chuyển giới hoặc "hai linh hồn" (two spirit) – những người cảm thấy mình có cả hai giới tính, vừa là nam vừa là nữ.
Khái niệm song giới đối với họ là hoàn toàn bình thường, không có một chút phân biệt hay kì thị nào. Do đó, hiển nhiên bạo lực, phỉ báng, coi thường,… những người song giới chẳng bao giờ xảy ra.
Con người hoàn toàn sinh ra, lớn lên trong sự dạy dỗ rằng: mọi cảm xúc, định nghĩa, tính dục mà một người cảm thấy đều là bình thường – miễn sao sống với điều đó họ hạnh phúc, vậy là đủ.
Khái niệm song giới đối với họ là hoàn toàn bình thường.
Thế nhưng, nét văn hóa này lại là một trong những thứ đầu tiên mà người châu Âu phá hủy và vùi lấp khi xâm chiếm lãnh thổ của Mỹ bản địa. Nếu trước đó, người song giới rất được tôn trọng, và gia đình có thành viên như vậy còn được coi là may mắn, thì giờ tất cả đã khác. Khái niệm "hai linh hồn" cần phải bị xóa sổ trước khi nó có thể đi vào sử sách.
Dưới sự áp đặt của kẻ mạnh, người dân địa phương buộc phải chấp thuận ăn mặc, hành xử theo những quy chuẩn về giới tính đã được đặt ra sẵn. Có những người chấp nhận, có những người chạy trốn cả đời khỏi quê hương mà giờ đây chẳng còn là của họ, hoặc tự kết thúc cuộc đời mình.
Những ảnh hưởng từ tôn giáo đã tạo ra không ít thành kiến nghiêm trọng về đa dạng giới.
Những ảnh hưởng từ tôn giáo đã tạo ra không ít thành kiến nghiêm trọng về đa dạng giới. Sự coi trọng, yêu thương, bình đẳng giữa tất cả mọi người đã từng ở đây – và tại sao một điều tuyệt vời như vậy lại biến mất, trở thành thứ người ta phải đấu tranh, phải đau khổ, phải vất vả tìm lại?
Kì thị, bạo lực chỉ là sự biến dạng xấu xí bên ngoài còn yêu thương mới là bản chất thật của chúng ta. Có thể con người đang lạc lối, nhưng luôn tìm cách quay lại với những giá trị chân thực và tốt đẹp nhất. Bạn và tôi – đều có thể làm cho quãng đường ấy ngắn lại.