Tài liệu mất tích của Tesla đáng sợ đến mức nó sẽ không bao giờ được thấy ánh sáng?

  •   4,85
  • 14.039

Sau khi Nikola Tesla được phát hiện đã qua đời tại một căn phòng khách sạn ở New York vào tháng 1 năm 1943, đại diện Văn phòng Quản lý Tài sản Chiến tranh của chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định tịch thu toàn bộ tài liệu nghiên cứu của thiên tài vật lý 86 tuổi muôn phần lập dị này.

Đó là thời điểm cuộc Thế chiến II đang leo thang tới đỉnh điểm, và Tesla tuyên bố đã phát minh ra một vũ khí với cái tên “Tia chết”, một tài sản vô giá trong thời chiến lúc bấy giờ. Để ngăn ngừa nguy cơ thứ vũ khí chết người này vào tay kẻ xấu, chính phủ Mỹ đã lập tức chiếm giữ toàn bộ tài sản và tư liệu từ phòng khách sạn của Tesla tại New York.

Cũng giống như nội dung nằm trong nó, điều xảy đến với những tập tài liệu của Tesla vẫn là một ẩn số, và khơi gợi lên đủ mọi loại thuyết âm mưu. Sau nhiều năm che đậy, dưới sự thông qua của Đạo luật Tự do Thông tin năm 2016, FBI cuối cùng đã quyết định công khai 250 trang trong tập tài liệu của Tesla. Nhưng mặc dù đã được xuất bản công khai, vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời và vẫn còn rất nhiều tài liệu được cho là đã “biến mất” khỏi tập hồ sơ này.

Năm 2016, FBI cuối cùng đã quyết định công khai 250 trang trong tập tài liệu của Tesla.
Năm 2016, FBI cuối cùng đã quyết định công khai 250 trang trong tập tài liệu của Tesla.

Ba tuần sau khi Tesla qua đời, John G. Trump, một kỹ sư điện của viện công nghệ Massachusetts (MIT) được cử đến đánh giá các tài liệu nghiên cứu của ông để xác định xem nó có thực sự có giá trị hay không.

Sau xem xét và đánh giá, tiến sĩ John G. Trump cho rằng những nỗ lực nghiên cứu của Tesla chỉ nằm trên lý thuyết và không hề có bất kỳ tài liệu nào chứng minh sự khả thi của lý thuyết, hay đưa ra phương pháp để biến lý thuyết này thành thực tế.

Vào thời điểm đó, ngoài những tin đồn và các ý kiến trái chiều của dư luận, FBI đã dựa vào các báo cáo của tiến sĩ Trump để kết luận rằng thứ vũ khí của Tesla không hề tồn tại. Nhưng trên thực tế, chính phủ Hoa Kỳ đã bị tập hồ sơ này chia rẽ bởi những luồng luận điểm khác nhau. Marc Seifer, tác giả cuốn tiểu sử The Life & Times of Nikola Tesla, cho biết có một nhóm quân sự tại căn cứ không quân Wright Patterson ở Dayton, Ohio, bao gồm Chuẩn tướng L.C. Craigee, có những ý kiến đánh giá khác hoàn toàn về ý tưởng của Tesla.

Ông Seifer cho biết: “Craigie là phi công đầu tiên lái chiếc máy bay phản lực quân đội, và những lời nói của ông có sức ảnh hưởng lớn. Theo ông, thứ vũ khí tia chết của Tesla là có thật. Nhưng tồn tại bè phái còn lại hoàn toàn bác bỏ ý kiến này".

Hiện tại, các tài liệu của Tesla đang nằm trong viện bảo tàng Nikola Tesla.
Hiện tại, các tài liệu của Tesla đang nằm trong viện bảo tàng Nikola Tesla.

Những tài liệu đã biến mất trong tập hồ sơ của Tesla cũng là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Khi Tesla qua đời, ông để lại tài sản cho cháu trai của mình, Sava Kosanovic, đại sứ Nam Tư tại Hoa Kỳ. Lúc đó, FBI lo sợ Kosanovic đang cố nắm giữ công nghệ của Tesla và sử dụng nó làm vũ khí để chống lại Mỹ. Họ thậm chí còn có ý định bắt giữ ông để ngăn chặn việc này xảy ra.

Năm 1952, sau khi tòa án Hoa Kỳ tuyên bố Kosanovic là người thừa kế hợp pháp tài sản của chú mình, tất cả các tập tài liệu của Tesla đã được đưa đến Belgrade, Serbia, và hiện tại đang nằm trong viện bảo tàng Nikola Tesla. Nhưng trong khi FBI đã xác nhận có 80 tập tài liệu Tesla để lại, thì chỉ có 60 tập tài được đưa trở về quê hương của nhà vật lý học này. Seifer cho rằng, có thể là họ đã kẹp 80 tập thành 60 tập, cũng có thể chính phủ đã giữ lại 20 tập tài liệu bí mật đó.

Trong suốt 5 phần của bộ sách về tiểu sử Tesla, Seifer đã bắt tay với cộng sự là tiến sĩ Travis Taylor, một nhà vật lý thiên văn, và Jason Stapleton, một phóng viên điều tra. Họ cùng nhau tìm kiếm những tập tài liệu còn thiếu và tìm hiểu sự thật về quan điểm của chính phủ về tia X, thứ vũ khí chiến tranh của Tesla.

Nghiên cứu của Tesla
Một số tập tài liệu của nhà phát minh nổi tiếng này vẫn mất tích.

Ông Seifer cho hay: “Mặc dù tiến sĩ John G. Trump đã bác bỏ các ý tưởng của Tesla ngay lập tức sau khi ông qua đời, nhưng quân đội vẫn đã nghiên cứu và kết hợp vũ khí chùm tia X trong những thập kỷ sau Thế chiến II. Đáng chú ý hơn, tia X đã trở thành nguồn cảm hứng thúc đẩy các sáng kiến chiến lược phòng thủ của Ronald Reagan; đồng thời xuất hiện bộ phim nổi tiếng: Star Wars. Nếu chính phủ vẫn đang sử dụng ý tưởng của Tesla để cung cấp năng lượng cho công nghệ của mình, điều đó hoàn toàn hợp lý nhằm giải thích tại sao một số tập tài liệu của nhà phát minh nổi tiếng này vẫn mất tích".

Có bằng chứng cho thấy phó chủ tịch của tổng thống Franklin D. Roosevelt, Henry Wallace, đã thảo luận cùng cố vấn của ông về nghiên cứu của Tesla, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự truyền dẫn không dây giữa điện năng và tia X.

Cùng lúc đó, Seifer và các đồng nghiệp của mình đã phát hiện ra vai trò của Vannevar Bush, người mà tổng thống Franklin D. Roosevelt chỉ điểm đứng đầu dự án Manhattan, nghiên cứu đánh giá các tài liệu của Tesla. Nhóm nghiên cứu của Seifer cũng đưa ra một giả thiết khá khả thi, đó là chính vị tổng thống này đã trực tiếp gặp mặt Tesla ngay trước khi ông chết.

Dòng điện xoay chiều
Mặc dù một số sáng kiến lập dị của ông vẫn còn là ẩn số, di sản trí tuệ khổng lồ của Tesla vẫn là không thể chối bỏ.

Seifer, Taylor và Stapleton đã ghé thăm các mốc địa điểm quan trọng trong cuộc sống của Tesla để khai thác sâu hơn về nhà vật lý lập dị này. Từ phòng thí nghiệm ở Colorado Springs đến nơi sinh sống cuối cùng của ông, khách sạn New Yorker; và “tháp không dây” bí ẩn mà ông thiết kế tại Wardenclyffe, Long Island. Họ cũng đã đến California, nơi sinh ra một số ý tưởng đột phá của Tesla. Rất nhiều ý tưởng trong số đó được cho là không thực tế, thậm chí là điên rồ. Nhưng cũng chính những ý tưởng đó đã giúp thúc đẩy một số ngành công nghiệp phát triển vượt bậc và chiếm những vị trí đầu bảng ở Thung lũng Silicon.

Mặc dù một số sáng kiến lập dị của ông vẫn còn là ẩn số, di sản trí tuệ khổng lồ của Tesla vẫn là không thể chối bỏ. Nó hiện hữu trong hầu như tất cả các thiết bị điện tử mà chúng ta sử dụng hàng ngày và chắc chắn sẽ là nền móng cho sự phát triển công nghệ trong tương lai.

Nói về sự ảnh hưởng của Tesla đối với khoa học nói riêng và nhân loại nói chung, Seifer cho biết: “Tesla là người đặt nền móng cho khái niệm công nghệ không dây. Vì vậy, hệ thống định vị sử dụng sóng radio, công nghệ mã hóa, robot điều khiển từ xa, tất cả đều dựa trên công nghệ của Tesla".

Cập nhật: 12/06/2018 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,85
  • 14.039