Tại sao bạn không nên đưa ra lời khuyên trừ khi được hỏi?

  •   44
  • 1.497

Có rất nhiều lời khuyên được đưa ra trong mọi mặt của cuộc sống nhưng có thực sự là người chia sẻ luôn muốn nhận lời khuyên từ những người lắng nghe và có phải lúc nào những lời khuyên cũng có ích?

Các kiểu lời khuyên

  • Lời khuyên bảo ai nên làm gì hay phải làm gì.
  • Lời khuyên chống lại - bảo ai không nên làm gì.
  • Lời khuyên đem lại thông tin và những phương án về một chủ đề cụ thể mà người đưa ra quyết định có thể không biết, mà không bảo họ làm gì hoặc không nên làm gì.
  • Lời khuyên hỗ trợ quyết định - lời khuyên về quá trình đưa ra quyết định để giúp ai đó quyết định.

Khi nói tới lời khuyên tại nơi làm việc, thay vì gọi là lời khuyên, có khả năng chúng ta gọi đó là phản hồi và đôi khi là phê bình mang tính xây dựng. Thuật ngữ này cũng được sử dụng cho các doanh nghiệp, giáo dục, các thể chế. Có cả phản hồi tốt và phải hồi xấu., chia ra ba kiểu: phản hồi tích cực, phản hồi tiêu cực và phản hồi mang tính xây dựng.

  • Phản hồi tích cực tập trung vào những điều ai đó làm tốt, khen ngợi và củng cố hành vi đó.
  • Phản hồi tiêu cực tập trung vào những chỉ trích về ai đó hoặc hành vi nào đó, có xu hướng trở thành phán xét hoặc nêu quan điểm.
  • Phản hồi mang tính xây dựng đem lại thông tin cụ thể, tập trung vào vấn đề và dựa trên các quan sát.

Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét lời khuyên giữa các mối quan hệ xã hội thông thường chứ không phải lời khuyên liên quan đến công việc (phản hồi).

Tâm lý những người đưa ra lời khuyên

Đưa ra lời khuyên là việc hết sức tự nhiên của con người. Đó là bản năng khi ta muốn đưa ra lời khuyên. Nó khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn. Chúng ta là những thành tố của xã hội, được lập trình để chia sẻ những kinh nghiệm, những câu chuyện của mình và từ đó có khả năng để giúp đỡ và tạo ra thay đổi. Thậm chí kể cả khi bạn bè, người thương hay người thân trong gia đình đến gặp chúng ta với vấn đề của họ và than phiền, chúng ta sẽ cảm thấy tự nhiên và nghĩ đó là điều nên làm.

Chúng ta cũng có cơ hội trình bày kĩ năng và kiến thức khi đưa ra lời khuyên. Và chúng ta muốn cảm thấy những điều đó có mục đích lớn lao hơn những gì thường nhật trong cuộc sống của mình.

Tất nhiên khi đưa ra lời khuyên mọi người đều có ý tốt. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại nhiều hơn là tốt cho người nhận lời khuyên. Nếu bạn của bạn đến hỏi bạn tư vấn, không có gì sai cả khi bạn đưa ra lời khuyên cho họ. Chúng ta sẽ nói về những lời khuyên không được yêu cầu - đưa ra lời khuyên khi người nhận không muốn hoặc yêu cầu cho dù họ có “cần” hay không.

“Mọi người đi những con đường khác nhau để tìm kiếm sự đủ đầy và hạnh phúc. Chỉ bởi họ không đi chung con đường với bạn, không có nghĩa là họ lạc đường” - Dalai Lama.

Nếu họ không hỏi, có lẽ họ không muốn lời khuyên từ bạn đâu.
Nếu họ không hỏi, có lẽ họ không muốn lời khuyên từ bạn đâu. (Ảnh minh họa).

Lý do chúng ta không nên đưa ra lời khuyên trừ khi được hỏi

Họ không muốn lời khuyên của bạn

Nếu họ không hỏi, có lẽ họ không muốn lời khuyên từ bạn đâu. Nhiều khi họ đơn giản chỉ cần người lắng nghe, họ có thể đã biết cần phải làm gì hoặc có khi cũng không cần đưa ra quyết định nào cả.

Một bản khảo sát trên mạng đã hỏi mọi người liệu họ có muốn nghe những lời khuyên khi không yêu cầu. Ba câu trả lời lựa chọn là 1) không, 2) có và 3) chỉ từ đúng người cần nghe. Trên 847 người trả lời, 56% nói không, 6% nói có và 38% chọn phương án 3.

Có lẽ không phải là từ đúng người cần nghe, mà đúng hơn là đúng cách và ở đúng bối cảnh.

Khi đưa ra lời khuyên, bạn giả định người đó không có kiến thức hoặc khả năng

Điều này đối với nhiều người trở thành sự xúc phạm vì họ sẽ cảm thấy như họ bị đánh giá thấp.

Nó sẽ giống như bạn đang tìm kiếm sự kiểm soát

Khi một ai đó quan tâm đến sức khoẻ của bạn họ, ví dụ như về cân nặng, họ sẽ muốn khuyên bạn mình quan tâm hơn đến cân nặng và sức khoẻ, khuyên họ cách gỉảm cân. Kể cả khi người bạn đó không bao giờ đề cập đến vấn đề cân nặng với họ, hoá ra họ đang áp đặt mong muốn thay đổi người bạn của mình. Đó là những gì họ muốn chứ không phải là những gì bạn họ cần.

Vì đó không phải là điều người đó mong muốn, nó sẽ trở thành một dạng kiểm soát. Bạn muốn họ nghe lời bạn và làm những gì bạn nói. Điều này không có nghĩa là bạn tìm kiếm quyền lực khi đưa ra lời khuyên cho ai đó, chỉ là bạn không ý thức được việc này và bạn muốn tốt cho họ. Có những cách thức lành mạnh hơn là đưa ra lời khuyên vì như thế là biểu hiện của việc thiếu sự giao tiếp, kĩ năng quản lí và con người.

Nó xuất phát từ quan điểm hạn chế của một người

Chúng ta có thể không có bất kỳ kiến thức hoặc kinh nghiệm nào trong việc đối mặt với trầm cảm hoặc bệnh nan y, mất đi người thân, trải qua đau thương hoặc việc giảm cân. Giống như chúng ta có những trải nghiệm độc đáo của riêng bản thân trong cuộc sống, những người khác cũng có những trải nghiệm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Lời khuyên chúng ta đưa ra chỉ xuất phát từ quan điểm của riêng chúng ta mà thôi. Chúng ta không biết được người khác như thế nào.

Những gì chúng ta nghe kể đôi khi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chúng ta không hoàn toàn hiểu vị trí của người kia. Chỉ tình huống ấy là một chuyện nhưng toàn bộ cuộc sống và những kinh nghiệm trong quá khứ và những hoàn cảnh hiện tại khác của họ cũng cần phải xem xét đến. Thêm vào đó, không có hai trải nghiệm nào hoàn toàn giống nhau nếu xét về những kinh nghiệm và cách phản ứng, tính cách và suy nghĩ của cuộc sống trước đó. Điều này có nghĩa là những gì hiệu quả với chúng ta không chắc chắc là hiệu quả với người khác.

Nó mang gánh nặng của những vấn đề khác

Đó là ngay cả khi không có tình huống nào khó khăn, chúng ta cũng tìm cách đưa ra lời khuyên. Ví dụ như khi đến một bữa tiệc đông người, bạn tiếp cận một người lạ đang trầm lặng và khuyên họ nên thư giãn và hoà đồng hơn.

Khi chúng ta căng thẳng về cuộc sống và những vấn đề của người khác cùng cách họ sống, điều đó sẽ mang lại một gánh nặng không cần thiết. Bản thân ta đã có những căng thẳng và trở ngại hàng ngày của riêng mình. Hãy thoải mái và đừng lo lắng đi khắc phục những vấn đề của người khác. Hãy cứ sống và để mọi thứ như chúng vẫn vậy, thay vì áp đặt các quy tắc và cách làm của mình cho người khác vì nghĩ đó là cách tốt nhất. Trừ khi bạn được hỏi, không có gì sai khi không đưa ra bất kỳ lời khuyên nào cho ai đó.

Bạn không phải đối mặt với hậu quả

Bạn không phải chịu trách nhiệm với hành động của một ai đó khi họ nhận lời khuyên từ bạn. Vì thế, bạn cũng không phải chịu trách nhiệm với những hậu quả từ nó. Đưa ra lời khuyên bao giờ cũng dễ phải không?

Nó có thể dẫn tới sự khinh bỉ và oán giận

Mặc dù hầu hết chúng ta đều có ý tốt khi đưa ra lời khuyên nhưng đôi khi, việc này có thể được sử dụng để bộc lộ sự tức giận một cách thụ động hoặc làm người kia tổn thương.

Lời khuyên không được yêu cầu thường bị coi là xâm phạm ranh giới, thiếu tế nhị và thường gây hại nhiều hơn lợi.

Là con người, chúng ta khao khát được chấp thuận. Khi bị chỉ trích, chúng ta coi đó là sự khước từ. Điều này có thể gây tổn thương. Mọi người không thích bị yêu cầu phải làm gì và việc này có thể sẽ kích hoạt sự phòng thủ. Chúng ta có thể sẽ cảm thấy mình cần phải sửa chữa điều gì đó và cần người kia cứu chuộc, đôi khi là cảm giác bị đánh giá vì những lựa chọn của bản thân. Không ai thích bị nói rằng mình sai cả. Những lời khuyên không được yêu cầu có thể làm hỏng các mối quan hệ của bạn.

Bạn có thể nhận lại những phản ứng dữ dội

Vì những lý do trên, bạn có thể sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực khó lường hơn nữa. Người nghe có thể hành động nổi loạn và làm ngược lại những bạn đã nói nên hoặc không nên làm.

Chẳng hạn, bạn liên tục đưa cho con mình lời khuyên là nó phải học tiếp lên đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông. Điều này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy bị ép buộc và không muốn đi học mặc dù thực tâm nó rất muốn đi. Chỉ là nó muốn được đưa ra quyết định của riêng mình. Kết quả là nó chọn cách phản kháng bằng cách không vào đại học.

Vậy, thay vì đưa ra lời khuyên, bạn có thể làm gì?

  • Kiên nhẫn lắng nghe: bằng cách đặt toàn bộ tâm trí vào những điều người kia đang tâm sự.
  • Đặt câu hỏi: cố gắng hiểu tình huống và đặt mình vào vị trí người kia. Hãy hỏi họ cảm thấy thế nào, tại sao họ cảm thấy và nghĩ như vậy, họ muốn làm gì,... và đặc biệt là, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho họ không?
  • Không đánh giá, phán xét và hãy quan tâm theo hướng tích cực, một cách vô điều kiện và thể hiện lòng cảm thông.
  • Hãy hỗ trợ về mặt tinh thần: có thể bao gồm những tương tác về mặt thể chất như một cái ôm hoặc cái vỗ vai. Không đưa ra lời khuyên không đồng nghĩa với việc không nói gì, sẽ tốt hơn nếu bạn nói gì đó để thể hiện sự quan tâm tới người kia và cho họ biết rằng bạn thực sự muốn vậy.
  • Thể hiện lòng tin đối với họ và phán xét của họ rằng họ có thể làm những gì tốt nhất cho bản thân.
  • Cân nhắc tình huống và những kinh nghiệm của bạn trong quá khứ: Nếu chúng ta không hoàn toàn hiểu hoặc có những trải nghiệm, kiến thức liên quan tới tình huống của người đó, tốt hơn hết là hãy an ủi, củng cố họ về mặt tinh thần.
  • Cân nhắc những phương án và góc nhìn khác ngoài những gì bạn có.
  • Nhìn nhận rằng họ là người phải giải quyết những hậu quả từ hành động của họ: trước khi đưa lời khuyên, vì bạn không phải chịu trách nhiệm với hành động từ lời khuyên của mình.
  • Hãy chấp nhận họ vì chính bản thân họ.
  • Chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm của bạn mà không đưa ra lời khuyên.

Sau bài viết này, hi vọng bạn sẽ suy nghĩ kĩ trước khi muốn đưa ra lời khuyên cho ai đó, vì quan trọng là chính bản thân người đó và những cảm xúc của họ.

Cập nhật: 29/12/2021 Theo Tinh Tế
  • 44
  • 1.497