Tại sao Biển Chết siêu mặn?

  •  
  • 197

Biển Chết có độ mặn cao gấp gần 10 lần đại dương do nước bay hơi để lại muối tích tụ trong nước và lắng đọng dưới đáy hồ.

Biển Chết là một trong những vùng biển mặn nhất hành tinh. Thực chất là một hồ nội địa thay vì biển, Biển Chết nằm giữa Jordan, Israel, và Palestine. Sự vắng bóng hoàn toàn của cá, chim chóc hoặc thực vật là minh chứng cho thấy đây thực sự là nơi không thích hợp cho sinh vật sống, theo IFL Science.

Biển Chết xếp thứ hai trên thế giới về độ mặn
Biển Chết xếp thứ hai trên thế giới về độ mặn. (Ảnh: iStock).

Biển Chết mặn như vậy do nó được cung cấp nước bởi sông Jordan nhưng không có lối ra, có nghĩa nước chỉ có thể thoát đi bằng cách bay hơi, lưu lại khoáng chất và muối. Do đó, Biển Chết ngày càng mặn theo thời gian khi muối tích tụ. Hiện nay, ước tính vùng biển này mặn gấp 9,7 lần so với đại dương.

Độ mặn tăng cao do hoạt động của con người khiến nước từ sông Jordan tới Biển Chết ít đi. Dưới tác động của đập nước và hoạt động chuyển dòng cho nông nghiệp, lượng nước ngọt có sẵn để làm loãng hồ nước mặn giảm dần. Vấn đề càng trầm trọng do nắng nóng trong vùng và những suối nước khoáng dọc theo hai bờ Biển Chết do hoạt động kiến tạo.

Biển Chết là hồ mặn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau ao Gaet'ale nằm ở vùng lòng chảo Danakil, Ethiopia. Ao này có nồng độ muối 43,3%, cao hơn mức 34% của Biển Chết. Để so sánh, nồng độ muối trung bình ở đại dương là 3,5%.

Độ mặn cực cao khiến nước Biển Chết giống như dầu olive trộn với cát, theo Đài quan sát Trái đất của NASA. Bất kỳ vật thể nào tiến vào đó có thể nổi dễ dàng. Mực nước Biển Chết cũng giảm ở tỷ lệ khoảng 1,2 mét mỗi năm do hoạt động của con người, khiến nó càng mặn vô cùng.

Đài quan sát Biển Chết phát hiện tương ứng với độ mặn tăng cao, muối ở đáy hồ đang lắng đọng, tạo ra lớp muối dày thêm vài centimet mỗi năm. Điều này xảy ra thông qua quá trình gọi là đối lưu khuếch tán kép, trong đó nước nóng chìm xuống tầng dưới mát hơn và mất khả năng chứa muối khi lạnh đi. Thay vào đó, muối tích tụ ở dạng tinh thể. Quá trình xảy ra tương đối nhanh do Biển Chết vốn đã ở mức tới hạn về lượng muối có thể bão hòa trong nước.

Vật thể sống duy nhất có thể tìm thấy ở Biển Chết là vi sinh vật. Từ thập niên 1930, các nhà khoa học biết Biển Chết không hoàn toàn vắng bóng sự sống. Đây là nơi ở của loài vi sinh vật tồn tại với mật độ khoảng 1.000 - 10.000 cổ khuẩn/mililit. Năm 1992, loài tảo ưa mặn Dunaliella parva nở rộ trên mặt hồ, nhiều khả năng do nước mưa. Dù D. parva là tảo màu xanh, hiện tượng khiến nước Biển Chết chuyển màu đỏ do nồng độ cao protein bacterioruberin.

Cập nhật: 08/04/2024 VnExpress
  • 197