Cá ngừ là một trong những loại cá chứa nhiều thủy ngân nhất vì quá trình kiếm ăn lâu năm khiến chúng tích tụ thủy ngân trong cơ thể.
Cá ngừ là nguồn dưỡng chất vượt trội cung cấp protein chất lượng cao, axit béo tốt cho tim và não, cùng với các vitamin, chất khoáng thiết yếu như vitamin D, B12, selen. Tuy nhiên, loài cá giàu dưỡng chất này có một hạn chế lớn là chứa đầy thủy ngân, kim loại nặng có hại cho thần kinh, theo IFL Science.
Cá ngừ vây vàng là một trong loại cá ngừ được chế biến để đóng hộp. (Ảnh: Thahaali).
So với phần lớn hải sản khác, thịt cá ngừ có lượng thủy ngân tương đối cao. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ước tính cá ngừ chứa trung bình 0,126 và 0,689 phần triệu thủy ngân. Một số loại cá ngừ thậm chí có nồng độ cao hơn. Ví dụ, cá ngừ albacore hay còn gọi là cá ngừ vây dài thường chứa lượng thủy ngân cao gấp khoảng 3 lần so với cá ngừ vằn hoặc cá ngừ vây vàng.
Phần lớn cá với nồng độ thủy ngân khá lớn là động vật săn mồi đầu bảng như cá mập, cá kiếm, cá cờ, cá thu vua. Đó là do quá trình tích tụ sinh học. Thủy ngân vô cơ tiến vào môi trường tự nhiên thông qua ô nhiễm công nghiệp, sau đó được biến đổi thành dạng hữu cơ là methylmercury bởi vi sinh vật trong hệ sinh thái biển. Lượng nhỏ methylmercury cũng có thể hình thành tự nhiên bởi vi khuẩn trong nước và trầm tích.
Chất hóa học này được tiêu thụ bởi tổ chức thủy sinh nhỏ, đến lượt chúng lại trở thành thức ăn của động vật ăn thịt lớn hơn trong chuỗi thức ăn. Do thủy ngân được hấp thụ nhanh hơn so với tốc độ trao đổi chất hoặc bài tiết, lượng lớn kim loại tích tụ ở mỗi tầng của chuỗi thức ăn, trong đó động vật săn mồi đầu bảng tiêu thụ nhiều nhất. Thủy ngân trong môi trường dồi dào đến mức ngay cả cá ngừ sống giữa đại dương cũng chứa một lượng hóa chất này.
Một nghiên cứu trong năm 2024 phát hiện lượng thủy ngân ở cá ngừ không thay đổi dù mức thải thủy ngân trên toàn cầu giảm đi từ sau thập niên 1970. Các nhà nghiên cứu suy đoán lượng thủy ngân ổn định ở cá ngừ có thể là kết quả từ sự dịch chuyển hướng lên của thủy ngân từ những tầng đại dương sâu hơn tới nước ở bề mặt, nơi cá ngừ nhiệt đới thường kiếm ăn. Nhiều khả năng đó là thủy ngân giải phóng vào môi trường cách đây nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ.
Lượng thủy ngân trong thức ăn rất nhỏ nhưng có thể tích tụ dần dần, đặc biệt nếu tiêu thụ với số lượng lớn trong thời gian dài. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), triệu chứng nhiễm độc methylmercury có thể bao gồm vấn đề với tầm nhìn ngoại vi, cảm giác châm chích, thường ở tay, chân và quanh miệng, thiếu khả năng phối hợp vận động, khả năng nói chuyện, nghe và đi lại bị ảnh hưởng, cơ bắp suy yếu.
Tuy nhiên, bạn cần tiêu thụ lượng cá ngừ khá lớn trong thời gian lâu dài trước khi cần lo ngại về nhiễm độc thủy ngân. Một số nhà khoa học ước tính người trưởng khỏe mạnh có thể tiêu thụ khoảng 95 gram cá ngừ một tuần trước khi có rủi ro nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng.