Với thời gian tồn tại lâu, số lượng loài lớn, kích thước cơ thể lớn, khủng long để lại nhiều xương hóa thạch hơn đáng kể so với con người.
Hóa thạch là gì? Hóa thạch là những di tích và di thể (xác chết, vết chân, bộ xương, lớp vỏ cứng...) của sinh vật được bảo tồn trong các lớp đá, là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của ngành cổ sinh vật học. Nguồn gốc tên gọi "hóa thạch" trong tiếng Anh, từ "fossil" bắt nguồn từ latinh "fossilis" với nghĩa là "đào lên". Điều kiện hình thành hóa thạch Không phải sinh vật nào chết đi cũng để lại hóa thạch. Để hình thành một mẫu hóa thạch thì phải có điều kiện vô cùng ngặt nghèo, khó khăn như trúng số vậy. Khi một sinh vật chết đi, xác của nó phải được vùi toàn bộ hoặc một phần nào đó trong môi trường lý tưởng như cát, bùn đất, phù sa hay tro tàn núi lửa. Nếu không nó sẽ bị rất nhiều tác nhân bên ngoài tàn phá như nắng, mưa, vi khuẩn, nấm mốc, xói mòn… và rất nhanh thôi sẽ không còn lại gì cả. Cách mà xương khủng long hóa thạch được tìm thấy Xác suất để xương khủng long hóa thạch được tìm thấy cũng hiếm như điều kiện để sinh vật sống hình thành hóa thạch vậy. Chúng nằm rải rác khắp nơi trên thế giới, sâu trong những lớp trầm tích dưới lòng đất nhưng các nhà cổ sinh vật học không thể cứ đào bới vô tội vạ để tìm chúng được. Sau nhiều năm và trải qua quá trình kiến tạo nâng lên, các lớp đá trầm tích chứa hóa thạch sẽ bị độn lên trên mặt đất. Qua thời gian, nắng gió, mưa, tuyết… sẽ bào mòn đá trầm tích và để lộ hóa thạch ra. Đa số hóa thạch sẽ rơi ra, hư hỏng và biến mất trong giai đoạn này. Tuy nhiên nếu may mắn gặp phải ai đó có ánh mắt đủ tinh tường để nhận ra (như những người săn hóa thạch và các nhà cổ sinh vật học) thì chúng sẽ được khai quật và mang về nghiên cứu, trưng bày. Hóa thạch gần như là thứ chỉ có thể gặp chứ không thể cầu vậy. |