Tại sao không thể thuần hóa hổ, sư tử hay tê giác?

  •   44
  • 14.762

Cách đây khoảng 11.000 năm, nhận thấy những lợi ích to lớn mà một số loài động vật có thể mang lại, con người bắt đầu quá trình thuần hóa chúng cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Trong số những con vật được loài người “để mắt” đến, phổ biến nhất là bò, dê, cừu, gà, ngựa, lợn, chó và mèo.

Cũng từ đây, không ít người thắc mắc tại sao lại là những con vật đó mà không phải tê giác, hổ hay ngựa vằn…?

Theo nhà sinh vật học tiến hóa và địa lý học Jared Diamond, có 6 tiêu chí mà một loài vật phải đáp ứng để được thuần hóa.

  • Đầu tiên, đó phải là những con vật không “kén cá chọn canh” trong vấn đề ăn uống, tức là nguồn thức ăn chúng sử dụng phải dễ tìm trong môi trường sống xung quanh. Ví dụ, động vật ăn cỏ như bò và cừu có thể tìm kiếm thức ăn từ các đồng cỏ hay từ phần ngũ cốc dư thừa của con người. Động vật ăn thịt như chó và mèo có thể tận dụng nguồn thực phẩm mà con người bỏ đi hoặc thậm chí là cả sâu bọ.

Lionel Walter Rothschild (1868-1937) với những con ngựa vằn nổi tiếng một thời. Việc thuần hóa thành công ngựa vằn là điều tương đối hiếm.
Lionel Walter Rothschild (1868 - 1937) với những con ngựa vằn nổi tiếng
một thời. Việc thuần hóa thành công ngựa vằn là điều tương đối hiếm.

  • Thứ hai, tốc độ phát triển của chúng phải ở mức nhanh chóng. Chúng ta không thể lãng phí quá nhiều thời gian cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc cho tới khi chúng đủ lớn để đưa vào sử dụng. Đây cũng chính là lý do ngăn cản việc thuần hóa voi trên diện rộng vì phải mất 15 năm chúng mới đạt đến kích thước trưởng thành.
  • Thứ ba, chúng là loài có khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt. Một số động vật chẳng hạn như linh dương không thể đáp ứng điều kiện trên. Và vì vậy, mặc dù người Ai Cập cổ đại đánh giá cao loài báo gêpa nhưng chúng không bao giờ là đối tượng để họ áp dụng các biện pháp thuần hoá.
  • Thứ tư, đây là những loài có tính khí được đánh giá ở mức độ tương đối “lành” khi sống trong môi trường tự nhiên. Bò và cừu là 2 con vật như vậy. Trong khi đó, trâu rừng châu Phi và bò rừng châu Mỹ thì ngược lại, vô cùng hung bạo và nguy hiểm. Tuy nhiên, một số nhà sinh vật học tiến hóa không đề cao tiêu chuẩn này bởi vì họ cho rằng nhiều loài đã được thuần thành công có nguồn gốc từ loài rất hung dữ, chẳng hạn như chó nhà có tổ tiên là chó sói.
  • Thứ năm, con vật được thuần sẽ là con vật không quá hoảng sợ và vội vã bỏ chạy khi bị giật mình. Tiêu chí này đã loại trừ hươu hay linh dương - hai trong số các loài có bước nhảy cao cho phép chúng thoát khỏi những cái hàng rào khá dễ dàng. Ngược lại, khi hoảng sợ, loài cừu có xu hướng xích lại gần nhau. Điều này đồng nghĩa với việc người ta có thể dồn được cả bầy cừu lại khi cần thiết.
  • Cuối cùng, trừ loài mèo ra, tất cả các động vật thuần hóa đều phải phù hợp với tập quán sống thành đàn có con đứng đầu. Con người thích những loài động vật có tập tính bầy đàn mạnh mẽ. Một số loài động vật được nuôi từ nhỏ, khi lớn lên với con người, chúng sẽ coi con người là thành viên trong gia đình hay con đầu đàn. Bởi vậy việc thuần hóa hay điều khiến chúng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là loài chó hay loài ngựa.

Động vật được chọn để thuần hóa
Động vật được chọn để thuần hóa.

Còn hổ với sư tử thì sao? Hổ là loài động vật không có thói quen sống theo bầy đàn, chúng chỉ gặp gỡ nhau trong mùa giao phối, còn lại nếu để hai con hổ gặp nhau ngoài tự nhiên thì chúng sẽ lao vào mà đánh nhau để bảo vệ lãnh thổ.

Sư tử thì sống theo bầy đàn, nhưng chúng luôn sống theo "luật rừng" kẻ mạnh sẽ được cầm đầu, bởi vậy trong đàn sư tử lâu lâu sẽ diễn ra một vài cuộc đánh nhau để tranh giành thứ bậc trong đàn, và nếu con người nuôi chúng, rất có thể một ngày đẹp trời chúng sẽ coi chúng ta là kẻ thù mà lao vào để tranh giành vị trí con đầu đàn.

Đây có lẽ là lý do tại sao có hàng ngàn loài động vật trên thế giới, nhưng con người chỉ có thể thuần hóa được số ít trong đó.

Cập nhật: 23/03/2020 Theo Đất Việt/nhipsongviet
  • 44
  • 14.762