Tại sao một số vùng trên Trái đất lại xuất hiện hiện tượng "mưa máu"?

Bí ẩn những cơn "mưa máu" nhuốm đỏ cả vùng rộng lớn, có phải điềm báo chết chóc?
  •  
  • 1.492

Theo nhiều ghi chép của các nhà sử học, hiện tượng mưa máu đã được nhắc đến từ rất lâu, ví như vào thời Hy Lạp cổ đại với những miêu tả của nhà thơ Homer trong thiên trường ca Iliad nổi tiếng. Theo đó, vị thần Zeus tối cao trên đỉnh Olympic đã tạo ra một cơn mưa máu đỏ thẫm để cảnh báo một trận chiến lớn sắp xảy ra dưới trần gian.

Ngoài ra, một số tài liệu khác được tìm thấy trước Công nguyên cũng có nhắc đến sự hiện diện của hiện tượng này. Đến thời trung cổ, người ta vẫn tiếp tục chứng kiến những cơn mưa màu đỏ từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, niềm tin cho rằng mưa máu đem lại điềm gở cho nhân loại đã xuất hiện trong phần lớn cộng đồng người dân ở phía Bắc và Tây Âu. Giai đoạn hai năm 1348 – 1349 là thời kỳ đen tối ở Đức khi “Cái chết đen” hoành hành trên khắp mọi miền đất nước, và điều đặc biệt hơn khiến người ta phải quan tâm chính là sự xuất hiện của một cơn mưa máu kéo dài hơn 2 ngày.

Ngày nay, tại thời điểm mà khoa học và công nghệ đã phát triển vượt bậc, những cơn 'mưa máu' vẫn liên tục xuất hiện thôi thúc các nhà khoa học đi tìm lời giải.

Nếu như trong văn học, các tác giả từng dùng hiện tượng này để báo trước những sự kiện xấu sắp xảy ra như cái chết và sự hủy diệt, thì ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng để giải thích.

Những cơn mưa có màu đỏ như máu từng xuất hiện xung quanh sa mạc Sahara - một trong những sa mạc lớn nhất thế giới nằm ở châu Phi.

Theo lời giải thích từ các nhà nghiên cứu, cát và bụi nâu do những cơn bão mang theo, trộn lẫn với giọt nước trong mây, khiến mưa có màu đỏ nâu.

Trận mưa có màu đỏ như máu ở Kerala, Ấn Độ.
Trận mưa có màu đỏ như máu ở Kerala, Ấn Độ.

Trong khi đó, tại Kerala (Ấn Độ), các bào tử tảo đỏ có tên Trentepohlia Annulata bị gió cuốn đi, trộn lẫn với các giọt nước mưa, gây ra mưa máu.

Còn tại khu vực Zamora (Tây Ban Nha), một loại tảo Haematococcus Pluvialis vướng vào những đám mây gây mưa. Chúng tạo ra loại sắc tố đỏ là astaxanthin, dẫn tới hiện tượng mưa máu.

Những trận "mưa máu" cũng được coi là "lời cảnh báo" của trái đất đối với con người.
Những trận "mưa máu" cũng được coi là "lời cảnh báo" của trái đất đối với con người. (Ảnh minh họa).

Những trường hợp ghi nhận mưa máu thường diễn ra tại các khu vực nhỏ, thời gian có thể khác nhau, đôi khi kéo dài trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, màu đỏ của nước mưa cũng có thể là hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí.

Thực ra, mưa trên Trái đất không chỉ có màu đỏ mà còn có thể mang màu sắc hơn như vàng, đen và trắng đục như sữa. Các cách giải thích phổ biến nhất về những màu mưa bất thường bao gồm sự xuất hiện bào tử của tảo trong không khí; bụi và một số hóa chất gây ô nhiễm hòa tan trong nước.Chẳng hạn, phấn hoa tạo ra mưa màu vàng, bụi mỏ than gây mưa màu đen.

Dù đã được không ít các nhà khoa học khẳng định không ẩn chứa sức mạnh siêu nhiên, huyền bí nhưng hiện tượng "mưa máu" vẫn là lời cảnh báo đầy sức nặng về những vết thương chằng chịt trên mình trái đất. Và "điềm xấu" nếu có, sẽ là cái giá mà con người phải trả cho những hành động tàn phá thiên nhiên bao năm qua.

Cập nhật: 01/11/2024 Theo Dân Trí/Tiền Phong
  • 1.492