Tại sao người có đầu óc sáng tạo thường thích sự cô độc?

  •  
  • 926

Những người có đầu óc sáng tạo thường tận hưởng sự tự do đó để đắm chìm vào thế giới tinh thần.

Các nhà tâm lý học ở các Trường đại học Arizona, Arkansas và Ninnesota ở Mỹ đã khảo sát hơn 2.000 tình nguyện viên để hiểu rõ hơn khả năng sáng tạo phát huy ra sao khi chúng ta không có việc gì tốt hơn để làm.

Dựa trên kết quả kiểm tra hoạt động của não, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những cá nhân có khả năng suy nghĩ khác biệt và sáng tạo thường ít cảm thấy buồn chán khi ở một mình.

Mặc dù đây không phải là một phát hiện to lớn nhưng nó nhấn mạnh sự khác biệt giữa tâm trí của chúng ta ở trạng thái không hoạt động.

Người có khả năng sáng tạo thường ít cảm thấy buồn chán khi ở một mình.
Người có khả năng sáng tạo thường ít cảm thấy buồn chán khi ở một mình. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Phát hiện cũng gợi ý những cách tốt hơn để khuyến khích mọi người đánh giá cao thời gian rảnh rỗi của họ mà không cảm thấy cần phải lấp đầy bằng những việc lặt vặt hay công việc tẻ nhạt.

Tác giả chính của nghiên cứu, Nhà thần kinh học Jessica Adrews-Hanna ở Trường đại học Arizona cho biết: "hiểu được lý do vì sao mọi người nghĩ theo cách của riêng họ sẽ giúp cho việc tìm ra những cách hỗ trợ, can thiệp để cải thiện sức khỏe và mức độ hạnh phúc".

Dịch Covid-19 toàn cầu vừa qua khiến chúng ta hiểu được những quãng thời gian cô độc kéo dài lại chính là cơ hội để một số người sống vui khỏe. Có nhiều cách để mọi người đối phó với các áp lực đến từ tình trạng cô độc, trong đó có một số cách hóa ra lại là tốt.

Đối với một số người, cách ly xã hội là một cơ hội quý giá để thực hiện những chuyến đi thường xuyên đến những góc sâu thẳm trong suy nghĩ và tâm hồn.

Họ lấp đầy những thì giờ dài đằng đẵng này bằng những câu chuyện tưởng tượng, suy đoán mạnh dạn và kết nối chặt chẽ những suy nghĩ vốn liên kết lỏng lẻo.

Nhà thần kinh học Andrews-Hanna nói: "trong xã hội bận rộn và kết nối với công nghệ ngày nay, thời gian một mình với những suy nghĩ của chính mình mà không bị phân tâm có thể là một thứ hiếm có".

Để nhìn rõ hơn điều này hiển hiện trong thực tế ra sao, các nhà nghiên cứu đã mời 90 tình nguyện viên ngồi một mình trong phòng không bị phân tâm bởi thiết bị kỹ thuật số trong 10 phút liên tục và thoải mái thốt ra bất cứ điều gì nảy ra trong tâm trí của họ.

Các tình nguyện viên cũng trải qua một bài kiểm tra tư duy, qua đó thể hiện xu hướng khám phá của mỗi người trước những câu hỏi mở, ví dụ như "bạn sẽ kiếm tiền bằng cách nào với 100 sợi dây chun?".

Phân tích chuỗi ý tưởng khi các tình nguyện viên nói to ra thành tiếng đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về quá trình mà một số người có suy nghĩ vượt trội.

Trong khi nhiều người có suy nghĩ nhảy nhót từ vấn đề này sang vấn đề khác không liên quan đến nhau, thì những người sáng tạo lại có những suy nghĩ mang tính liên kết hơn.

Những người khác biệt này cũng nói nhiều hơn, phản ánh luồng ý tưởng trôi chảy và dồi dào, và họ cũng tự cho rằng mình ít cảm thấy chán nản hơn trong thời gian cô độc đó.

Trong nghiên cứu thứ hai, nhóm nghiên cứu đánh giá phản hồi của 2.612 người tham gia qua một khảo sát liên quan đến tính sáng tạo.

Kết quả của nghiên cứu này cũng rất giống với các phát hiện từ nghiên cứu thứ nhất, cho thấy những người sáng tạo ít cảm thấy buồn chán hơn trong thời gian phải sống cô lập do Covid-19.

Học cách nắm bắt sự sáng tạo tiềm ẩn bên trong cơ thể bằng cách ghi nhớ chủ quan rằng bản thân chúng ta có khả năng suy nghĩ sáng tạo để có thể lấp đầy thời gian tưởng như là thời gian chết đó khiến cho việc suy nghĩ tưởng như vu vơ mất tập trung trở nên hiệu quả hơn.

Nhà thần kinh học Andrews-Hanna nói rằng khi chúng ta ngày càng phải làm việc quá sức, quá thời gian biểu và nghiện kỹ thuật số, có lẽ chúng ta cần có những khoảng lặng suy nghĩ tưởng như vu vơ nhưng lại có tác dụng thư giãn và thúc đẩy khả năng sáng tạo.

Điều đó góp phần khiến các hoạt động chính trong ngày trở nên hiệu quả hơn.

Cập nhật: 17/07/2023 Dân Trí
  • 926