Tại sao những cặp đôi không hạnh phúc lại sống với nhau rất lâu?

  •  
  • 2.229

Có một câu nói rất nổi tiếng trong bộ phim "Sex and the City" của Mỹ mà nhiều người xem chắc hẳn vẫn còn nhớ: "Anh ta không yêu bạn nhiều mức đó đâu". Thật vậy, trong cuộc sống đời thường, cũng có rất nhiều cặp đôi không thật sự yêu nhau mặn nồng nhưng vẫn quyết định chấp nhận chung sống đến tận cuối đời.

Tại sao nhiều người lại mong muốn duy trì những mối quan hệ không hạnh phúc? Kênh CNN dẫn lại kết quả của hai nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu người ta càng nhận thấy cuộc sống của người bạn đời phụ thuộc nhiều vào sự tồn tại của mối quan hệ, thì khả năng họ muốn nói lời chia tay càng thấp. Nói cách khác, nhiều người vẫn chấp nhận duy trì một mối quan hệ không đem lại hạnh phúc chỉ để tránh làm tổn thương đến cảm xúc của đối phương.

Phóng viên CNN đã đề nghị các đồng nghiệp của mình chia sẻ quan điểm của họ về việc tại sao nhiều cặp đôi không hạnh phúc lại thường gắn bó với nhau dài lâu, và làm thế nào để kết thúc một mối quan hệ mà ít làm tổn thương đối phương nhất.

Mối quan hệ không hạnh phúc,
Nhiều người mang trong mình những nỗi bất an khiến họ không dám bước qua những mối quan hệ cũ để đến với một cuộc sống mới.

Ranh giới giữa lòng vị tha và sự ích kỷ

Các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều người chấp nhận duy trì những mối quan hệ không khiến bản thân họ thoả mãn về mặt tình cảm chỉ vì lo ngại rằng việc nói lời chia tay sẽ làm tổn thương đến những cảm xúc của người bạn đời.

"Từ trải nghiệm của mình trong nghề, tôi nhận thấy nhiều người mang trong mình những nỗi sợ hãi và bất an thầm kín khiến họ không dám bước qua những mối quan hệ cũ để đến với một cuộc sống mới, mặc dù có thể không thoải mái bằng nhưng cuối cùng sẽ đem lại cho họ niềm hạnh phúc thật sự. Những cặp đôi như vậy thường bằng lòng với một mối quan hệ chỉ "vừa đủ"",bác sĩ trị liệu tình dục Holly Richmond cho biết. "Nhưng sẽ đến một lúc nào đó mà sự "vừa đủ" ấy sẽ đem lại những tác động tiêu cực, khiến cho người chấp nhận ở lại cảm thấy đau đớn hơn cả sự đau đớn mà đối phương của họ sẽ phải trải qua nếu họ nói lời chia tay".

Ngoài ra, những mối lo với con cái, tài chính, các mối quan hệ bạn bè, lối sống và vị thế của bản thân trong cộng đồng cũng là những yếu tố tác động đến quyết định duy trì mối quan hệ không hạnh phúc của các cặp đôi. "Tôi đã từng gặp một số bệnh nhân muốn giữ mối quan hệ hiện tại chỉ vì họ lo ngại sẽ không thể tìm được người bạn đời nào khác, trong khi một số người khác lại không muốn con cái của mình mất đi người bố hoặc mẹ thực sự của chúng", bác sĩ trị liệu tình dục Sari Cooper chia sẻ.

Việc duy trì những cuộc tình không hạnh phúc kiểu này sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ bên nào cả
Việc duy trì những cuộc tình không hạnh phúc kiểu này sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ bên nào cả.

Tuy nhiên, việc duy trì những cuộc tình không hạnh phúc kiểu này sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ bên nào cả, bác sĩ Kristen Lilla khẳng định. "Nếu bạn quyết định ở lại chỉ vì không muốn làm tổn thương đến người khác thì đó rõ ràng là một hành động ích kỷ, bởi bạn đang tước đi quyền được lựa chọn của đối phương", bà giải thích. "Bạn đang tự cho rằng người bạn đời sẽ không thể sống tốt nếu thiếu bạn, và vì thế bạn ở với họ chỉ vì thương xót. Điều đó là không đúng".

Nên ở lại hay ra đi?

Rõ ràng, quyết định chấm dứt một mối quan hệ là một sự lựa chọn khó khăn đối với nhiều người. Để chắc chắn hơn, bạn hãy thử ngồi lại và hình dung xem cuộc sống của mình sẽ ra sao sau khi chia tay, Cooper nói. "Tôi đề nghị các bệnh nhân của mình ngồi xuống và tưởng tượng một cách chi tiết về cuộc sống của họ sau khi mối quan hệ đó kết thúc: Hai bạn có đủ tiềm lực tài chính để tự lo cho bản thân không? Hai bạn đã chắc chắn rằng mình đã làm tất cả để cải thiện mối quan hệ này trước khi nó đi vào bế tắc hoàn toàn hay chưa? Liệu hai bạn có đánh mất đi những người bạn tốt hoặc những mối quan hệ hữu ích sau khi chia tay hay không?".

Nhà trị liệu tình dục Kristie Overstreet cũng đồng tình với quan điểm trên. "Nếu bạn đang phải đứng trước quyết định duy trì hay từ bỏ một mối quan hệ, hãy viết ra giấy những điểm được và mất sau khi hai bạn chia tay. Điều này sẽ buộc bạn phải sử dụng lý trí thay vì tình cảm và giúp bạn nhận ra một số khía cạnh mà trước đây bạn chưa từng nghĩ tới", bà giải thích. "Một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà bạn cần đặt ra cho bản thân đó là liệu bạn đã làm tất cả mọi thứ trong khả năng có thể để níu giữ nó chưa. Hãy chắc chắn rằng bạn đã xem xét mọi yếu tố được liệt kê ra, trước khi đi đến sự lựa chọn cuối cùng".

Ngoài ra, hãy coi mối quan hệ của bạn như một chiếc hộp có kích thước đủ lớn để cả hai bạn cảm thấy thoải mái và tự do di chuyển, trong khi vẫn có thể hỗ trợ cho sự phát triển của nhau.

"Một mối quan hệ trở nên bức bối là khi chiếc hộp mà hai bạn tạo ra cho nhau quá nhỏ khiến đối phương không thể độc lập và tự chủ với cuộc sống riêng của họ, và điều đó dẫn đến việc cả hai cảm thấy trống rỗng và lo sợ nếu không có nhau", bác sĩ Tammy Nelson chia sẻ. "Có lẽ bạn đã từng được dạy rằng như thế mới chính là tình yêu đích thực - một sự đồng điệu trong tâm hồn với nửa kia của mình - nhưng thực chất đó chỉ là sự dựa dẫm. Nếu bạn không có đủ không gian để bản thân mình trưởng thành hơn trong chính mối quan hệ đó, thì có lẽ bạn đang kéo cả hai tụt lại phía sau".

Quyết định chấm dứt một mối quan hệ là một sự lựa chọn khó khăn đối với nhiều người.
Quyết định chấm dứt một mối quan hệ là một sự lựa chọn khó khăn đối với nhiều người.

Lời chia tay luôn rất khó nói

Một câu nói nhiều người chắc đã nghe nhàm tai nhưng nó vẫn đúng trên một vài khía cạnh: "Không có lời chia tay nào mà không khiến cho đối phương tổn thương", bác sĩ Deborah Fox cho biết. Điều đó có nghĩa rằng, bạn cần phải hết sức thật lòng với đối phương về lý do bạn muốn chia tay.

"Mặc dù không nhất thiết phải nói ra mọi điều, nhưng bạn cũng nên kết thúc một mối quan hệ với sự thẳng thắn, và điều đó cũng đi kèm với sự chân thành", bà giải thích. "Những lời nói dối vụng về có thể giúp giải quyết một mối quan hệ ngắn ngủi, sơ sài, nhưng điều đó chắc chắn không có tác dụng với những cuộc tình sâu sắc và nhiều cảm xúc hơn".

Overstreet cũng tán thành với quan điểm trên. "Bạn không thể ngăn cản cảm xúc đau đớn mà đối phương phải trải qua trước quyết định của bạn. Tuy nhiên, sự thật lòng và tôn trọng của bạn có thể giúp anh ấy hoặc cô ấy vơi đi phần nào", bà nói. "Cách bạn kiểm soát bản thân và lời nói của mình có thể giúp bạn kiểm soát toàn bộ quá trình. Hãy ghi nhớ rằng bạn buộc phải làm mọi điều cần thiết để giảm bớt những áp lực có thể đến với chính mình, và việc chấm dứt một mối quan hệ không hạnh phúc chỉ là một bước nhỏ trong đó".

Quyết định chia tay một ai đó không bao giờ là điều dễ dàng, nhưng nếu bạn thực sự bỏ thời gian và công sức để đi đến sự lựa chọn đó, bạn có thể giúp cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với chính bạn và người bạn đời của mình.

Cập nhật: 28/11/2018 Theo vnreview
  • 2.229