Tại sao Thế giới lại phẳng?

  •   3,52
  • 2.452

Người ta nghe nhiều đến chuyện này sau khi Thomas L.Friedman cho ra mắt cuốn sách The World Is Flat (Thế giới phẳng) và bản dịch tiếng Việt được NXB Trẻ phát hành năm 2006. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuốn sách này được Financial Times và Golman Sachs Business bình chọn là Cuốn sách hay nhất trong năm 2005. Tác giả cuốn sách này được US. News & Report bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của nước Mỹ. Ông cũng đã nhiều lần được nhận giải thưởng báo chí Pulitzer.

Tác giả đã rất có lý khi chọn ra mười nhân tố có vai trò quyết định trong việc làm phẳng thể giới.

Nhân tố thứ nhất được kể đến là việc bức tường Berlin bị phá đổ vào ngày 2.11.1989, bước mở đầu để mọi người có thể nghĩ đến thế giới như là một cộng đồng chung, một thị trường chung và một nền sinh thái chung. Đây cũng là cơ hội để dẫn đến việc xuất hiện Liên minh Châu Âu và đồng tiền chung euro. Chỉ 6 tháng sau đó phiên bản Windows 3.0 ra đời, xoá bỏ mọi bưng bít thông tin, làm cho mọi người nhìn thế giới như một cộng đồng đơn nhất và có tiềm năng thống nhất.

Nhân tố thứ hai là sự ra đời mạng toàn cầu www (World Wide Web) với địa chỉ trang web đầu tiên do Berners – Lee đưa vào hoạt động từ ngày 6.8.1991. Tiếp đó là việc Công ty Netscape đưa ra trình duyệt thương mại rộng rãi, khiến từ em bé đến cụ già đều có thể dễ dàng sử dụng Internet. Chỉ 15 ngày sau khi Netscape bán cổ phiếu cho công chúng đợt đầu, hệ điều hành Windows 95 đã được chuyển tới khách hàng với tính năng cài sẵn việc hỗ trợ Internet. Giá trị của khả năng số hoá thông tin làm cho mọi người muốn số hoá mọi thứ, và mọi văn bản, hình ảnh, âm nhạc, phim truyện… đều được chuyển thành các đơn vị bit và byte. Người ta chụp ảnh bằng máy ảnh kỹ thuật số, quay phim bằng các máy ghi hình gọn nhẹ, ghi âm bằng máy nhỏ như chiếc bút, gửi thư qua email và có lẽ phim ảnh cùng tem thư sẽ chỉ còn có rất ít người cần thiết sử dụng…

Nhân tố thứ ba là sự đột phá trong xử lý công việc nhờ kết hợp được giữa máy tính cá nhân và email (thư điện tử). Phòng bán hàng có thể nhận đơn đặt hàng qua email, đưa thông tin vào hệ thống máy tính, gửi email cho phòng giao hàng, phòng này chuyển hàng đến người nhận và tự động xuất hoá đơn đã được vi tính hoá ngay tại thời điểm đó. Giấy, mực, máy chữ, cặp ba dây, tủ đựng sổ lưu trữ…chắc sẽ không còn ý nghĩa gì nữa và tham nhũng đâu còn có đất để tự tung, tự tác một cách dễ dàng!. Với giao thức SMPT có thể thực hiện việc trao đổi các thông điệp giữa các hệ thống máy tính khác nhau. Thư không cần người đưa thư, nhưng được chuyển đến mọi nơi trên thế giới trong giây lát và với giá rẻ bất ngờ. HTML là ngôn ngữ cho phép ai cũng có thể thiết kế và xuất bản dữ liệu để truyền đến bất kỳ nơi nào và bất kỳ máy tính nào cũng đều có thể truy cập. Các bác sĩ có thể giúp nhau đọc hộ phim X.quang và cho lời khuyên về một bệnh nhân ở cách xa nửa vòng trái đất. Thương mại điện tử (e – commerce) trở nên phổ biến tới từng gia đình…

Nhân tố thứ tư là việc phát triển phần mềm dựa trên cộng đồng đã trở thành một hoạt động kinh doanh đầy tiềm năng. Các cá nhân không chỉ được sử dụng thông tin mà còn là người sản xuất thông tin trên các công cụ điện tử (hiện đã có 24 triệu blog và mỗi ngày thường có thêm khoảng 7 vạn blog mới). Ai cũng có thể tham gia biên soạn Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (với Việt Nam là http://vi.wikipedia.org). CollabNet là nhà cung cấp các công cụ và cơ sở hạ tầng để mọi người trên thế giới có thể cộng tác với nhau qua các web an toàn (có mật khẩu mới gia nhập được). Ngày 7.7.2005 xảy ra vụ đánh bom ở tàu điện ngầm tai London, theo đề nghị trên trang web của BBC, chỉ sau 24 giờ đã có tới 2 vạn bài viết, 1.000 bức ảnh, 20 đoạn phim video mà quần chúng gửi về nhằm góp sức cho công cuộc điều tra. Ở nước ta hiện nay bạn có thể không cần mua báo mà vẫn đọc được dăm chục loại báo, mà đúng như trang báo in thật chứ không phải chỉ là tin tức như ở các website trên net.Tuy nhiên mạng với mã nguồn mở cũng phải đối mặt với các thông tin sai hoặc thiếu thiện chí.

Nhân tố thứ năm là khả năng tận dụng nguồn lao động có kỹ năng cao và rẻ tiền, lại lệch múi giờ của các nước đang phát triển để thực hiện một số công đoạn cần thiết và sau đó gắn vào dây chuyền sản xuất của mình. Ấn Độ là một nước nghèo, thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên, họ đã khai thác trí tuệ của dân chúng, đào tạo rất đông những chuyên gia ưu tú trong các ngành khoa học, công nghệ, y khoa. Thi vào một học viện công nghệ ở Ấn Độ còn khó hơn thi vào ĐH Harvard hay Masanchussetts (!). Y2K là sự kiện đến ngày 1.1.2000 nhiều máy tính cũ sẽ ghi là 1.1.00 và cho rằng đó là năm 1900 (!). Mỹ đã bắt tay với Ấn Độ để huy động một lực lượng chuyên gia khổng lồ tham gia giải quyết sự cố này ( kiểm tra tất cả máy tính trên thế giới!). Ngành công nghệ thông tin Ấn Độ đã để lại dấu ấn trên toàn cầu sau sự cố Y2K. Nhà báo học Louis Pasteur đã từng nói: “Vận may mỉm cười với những người luôn sẵn sàng”.

Nhân tố thứ sáu là quá trình chuyển cơ sở sản xuất đến các quốc gia có lực lượng lao động vừa đông, vừa rẻ, lại có thị trường tiêu thụ lớn. Năm 2001 sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã đảm bảo nếu các công ty nước ngoài chuyển các nhà máy tới nước này thì họ sẽ được bảo hộ bởi luật pháp quốc tế và các thực tiễn kinh doanh chuẩn mực. Một cuốn sách về các quy định của WTO được dịch ra tiếng Trung và sau vài tuần đã bán hết 2 triệu bản(!). Trung Quốc có thể cung cấp một số lượng công nhân khổng lồ và lại có một thị trường tiêu thụ sản phẩm vô cùng lớn. Đã có 400/500 công ty hàng đầu của Mỹ đầu tư hơn 2.000 dự án vào Trung Quốc. Gần đây nhiều nước đã chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào nước ta. Nếu tính số tiền đầu tư của nước ngoài theo bình quân đầu người thì có lẽ Việt Nam hiện đã cao hơn Trung Quốc rồi (!).

Nhân tố thứ bảy là tạo ra chuỗi cửa hàng cung cấp toàn cầu mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất, nhưng với giá trị thấp nhất. Chẳng hạn như khi bạn mua bất kỳ một mặt hàng nào tại siêu thị Wal – Mart và đặt lên bàn mua thì ngay lập tức, tại nơi nào đó trên thế giới sản xuất ra mặt hàng này, người ta lại bắt đầu sản xuất thêm ra đúng một mặt hàng tương tự như vậy. Nơi đó có thể là một nước rất xa xôi nhưng luôn luôn có một dòng chảy tới mọi chi nhánh bán hàng. Vào kỳ Noel tại 4.000 của hiệu của Wal – Mart, đã bán được tới 40 vạn máy vi tính (!). Riêng Wal – Mart đã bán được tới 2.300 triệu kiện hàng hoá mỗi năm trên phạm vi toàn cầu. người ta gọi đó là nhân tố chuỗi cung, một phương pháp cộng tác chiều ngang giữa các nhà cung cấp, người bán lẻ và khách hàng.

Nhân tố thứ tám là đồng bộ hoá thế giới nhờ thuê bao bên ngoài làm. Nói một ví dụ cho dễ hiểu: Công ty UPS trước chỉ làm nhiệm vụ chuyển phát hàng hoá. Họ có đến 270 máy bay, 88.000 xe cơ giới các loại và doanh thu hàng năm lên đến 35 tỉ USD. Nhưng họ đã tự nâng cấp hoạt động của mình lên để trở thành một nhà quản lý chuỗi cung hàng đầy năng động. Chẳng hạn bạn mua một máy tính xách tay hiệu Toshiba, nhưng bị hỏng trong thời hạn bảo hành. Bạn yêu cầu UPS chuyển đến Toshiba để sửa, sửa xong Toshiba lại yêu cầu UPS chuyển tới bạn. Thời gian sẽ dài biết chừng nào và Toshiba sẽ tốn kém biết bao nhiêu. Ngày nay Toshiba huấn luyện để UPS có xưởng sửa chữa ngay tại chỗ và chỉ hai ngày sau bạn có thể nhận lại được máy tính từ Công ty Toshiba hẳn hoi.

Nhân tố thứ chín là có thể tìm thấy bất cứ câu trả lời nào nhờ tìm kiếm trên các trang web mang chức năng của những công cụ tìm, kiếm khổng lồ như Google, Yahoo, MSN, TiVo…Đó là một xu thế mới của Internet – xu thế tự phục vụ!

Nhân tố thứ mười là những tiến bộ của các phương tiện không dây truyền đạt thông tin. Ví dụ máy nghe nhạc số iPaq nhỏ hơn bàn tay có thể kết nối không dây với Internet và những thiết bị khác bằng phát tia từ ngoại ( cách 1m), bằng Bluetooth (cách 9,14m), bằng Wi – fi (cách 45,72m). Điện thoại di động là thiết bị không dây có thể liên hệ tới mọi nơi trên thế giới. Với ổ đĩa USB 2.0 và bộ xử lý Pentium, ngày nay để tải một bức ảnh từ máy ảnh số xuống chỉ cần chưa đến 0,5 giây(!). Với máy nghe nhạc iPod 40GB nhỏ xíu ngày nay bạn có thể lưu giữ vài nghìn bài hát mà bạn yêu thích. Bằng máy tính xách tay, máy tính cá nhân hay PDA và một chiếc microphone đính kèm, bạn có thể gọi điện thoại ra khắp thế giới với giá không đáng kể hoặc hoàn toàn miễn phí nếu sử dụng qua cổng Internet được gọi là VoIP. Với công nghệ đàm thoại qua video, chúng ta có thể tổ chức các hội thảo quốc tế mà không cần tốn phí vé máy bay và chi phí ăn ở. Các bên ngồi trước một bàn dài đối diện với một bức tường có gắn TV màn hình phẳng. Tha hồ tranh cãi nhau và có cảm tưởng nghe được cả hơi thở của nhau (!)…

Tôi không đủ khả năng giới thiệu cuốn sách nổi tiếng “Thế giới phẳng” của Thomas L.Friedman vì nó dày tới 818 trang và hết sức phong phú. Tôi chỉ muốn truyền đạt lại một cách tóm tắt vì sao thế giới hiện nay đang trở thành một thế giới phẳng. Chúng ta vừa gia nhập WTO, tức là tham gia trực tiếp vào phiên chợ toàn cầu với vô vàn cơ hội và cũng không ít thách thức. Cần hiểu rõ chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng để tận dụng các mặt ưu việt của nó và cũng để phòng tránh các tác hại tiêu cực là mặt trái của thế giới phẳng.

GS Nguyễn Lân Dũng

Theo Báo Lao động
  • 3,52
  • 2.452