Tại sao tổ tiên xa xưa của loài người đi bằng hai chân?

  •  
  • 2.552

Các nhà khảo cổ học tại Đại học York, Anh, mới đây cho biết dáng đi hai chân của chúng ta có thể có nguồn gốc từ quang cảnh gồ ghề ở khu vực phía Đông và Nam châu Phi, được định hình trong suốt kỉ nguyên Pliocene do những ngọn núi lửa và sự chuyển dịch của các mảng kiến tạo (tectonic plate).

Chủng hominin, tổ tiên xa xưa của ta, ắt bị thu hút bởi vùng địa hình có những lớp đất đá trồi lên và những hẻm núi do địa hình này cho họ nơi trú ẩn và nhiều cơ hội để đánh bẫy con mồi. Nhưng địa hình đó cần tổ tiên ta phải có dáng thẳng đứng khi trườn bò và leo trèo, điều này khiến cho loài hai chân bắt đầu xuất hiện.

Nghiên cứu: “Complex Topography and Human Evolution: the Missing Link” (Địa thế phức tạp và tiến hóa loài người: Loài chuyển tiếp) của Đại học York thách thức những giả thuyết truyền thống cho rằng tổ tiên xa xưa của ta bị buộc phải rời khỏi cây cối và đi xuống đất bằng hai chân khi môi trường thay đổi làm giảm chỗ trú ngụ trên cây cối. Nghiên cứu này được phát triển cùng với đội ngũ nghiên cứu của Viện Vật lí học Trái đất (Institut de Physique du Globe) ở Paris.

Tại sao tổ tiên xa xưa của loài người đi bằng hai chân?
Nghiên cứu của các nhà khảo cổ học tại ĐH York về dáng đi hai chân của tổ tiên xa xưa của loài người thách thức những giả thuyết truyền thống.

TS Isabelle Winder, Khoa Khảo cổ học thuộc Đại học York, một trong những người thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chứng tỏ rằng loài hai chân có lẽ phát triển như để đáp ứng lại vùng địa hình đó, thay vì đáp ứng lại những thay đổi thực vật do môi trường gây ra".

Địa hình gãy khúc, đứt đoạn đã đưa ra nhiều lợi ích cho chủng hominin xét về mặt an toàn và thực phẩm, nhưng nó cũng cho thấy động cơ cải thiện các kĩ năng vận động bằng cách leo trèo, giữ thăng bằng, bò trườn và di chuyển nhanh nhẹn trên những vùng đất gãy khúc ấy – đó là những loại vận động khuyến khích dáng đứng ngày càng thẳng đứng hơn".

Nghiên cứu cho biết đôi bàn tay và đôi cánh tay của chủng hominin thẳng đứng được thả tự do để phát triển thêm khả năng khéo léo ở đôi tay và khả năng dùng công cụ, điều này hỗ trợ cho giai đoạn then chốt trong câu chuyện tiến hóa.

Việc phát triển những thích nghi của khung xương và bàn chân đối với vận động chạy có lẽ là kết quả từ những chuyến đi vào khu vực đồng bằng phẳng lì xung quanh nhằm tìm kiếm con mồi và những vùng săn bắt hái lượm mới.

TS Winder cho biết thêm: “Địa hình đa dạng có lẽ cũng góp phần cho việc cải thiện những kĩ năng tri nhận như định hướng và những khả năng giao tiếp, điều này giải thích cho quá trình tiến hóa tiếp diễn của não bộ chúng ta và những chức năng xã hội như hợp tác và làm việc nhóm".

“Chúng tôi đưa ra những giả thuyết mới mẻ, khả thi thay thế cho những giả thuyết truyền thống về thực vật hay sự thay đổi môi trường. Nó giải thích toàn bộ những quá trình then chốt trong sự tiến hóa của chủng hominin và đưa ra bối cảnh thuyết phục hơn so với các giả thuyết truyền thống”.

Theo Tiasang, Sciencedaily
  • 2.552