Tại sao việc tìm kiếm khí methane trên sao Hỏa lại quan trọng?

  •  
  • 680

Cho tới nay, sự hiện diện của khí methane trên bề mặt và trong bầu khí quyển của sao Hỏa cũng như các nguồn phát thải của khí vẫn còn là một bí ẩn.

Liên minh Khoa học Địa chất châu Âu (European Geosciences Union -  EGU), họp tại thủ đô Wien (Áo) từ ngày 7 - 12/4/2019, đã tổ chức một cuộc họp báo lớn nhằm chính thức công bố kết quả đầu tiên của các phép đo được thực hiện bởi tàu thăm dò TGO (Trace Gas Orbiter) quay quanh sao Hỏa. Đây là chương trình ExoMars, với nhiệm vụ cung cấp thành phần chính xác của bầu không khí hành tinh này, nhất là việc có tìm thấy dấu vết của khí methane hay không.

Và trong cuộc họp báo, nhà vật lý thiên văn Jean-Loup Bertaux, một nhân vật quan trọng trong chương trình ExoMars, đã công bố: “Kết quả quan trọng nhất mà tàu thăm dò TGO cung cấp là việc không phát hiện ra khí methane trong bầu khí quyển của sao Hỏa”.

Vậy tại sao vấn đề khí methane hiện diện hay không trên sao Hỏa lại quan trọng như thế?

Tàu thăm dò TGO bay quanh sao Hỏa.
Tàu thăm dò TGO bay quanh sao Hỏa.

Trở lại với chương trình ExoMars (Exobiology on Mars). Đây là một dự án sinh học vũ trụ gồm hai giai đoạn để tìm kiếm bằng chứng về sự sống trên sao Hỏa, một nhiệm vụ chung của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Không gian Nga Roscosmos. Trong giai đoạn đầu của dự án, ngày 14.3.2016, chương trình đã phóng tàu thăm dò TGO cùng một tàu hạ cánh cố định tên là Schiaparelli lên sao Hỏa.

Bảy tháng sau đó, tháng 10/2016, thì TGO và Schiaparelli lên tới quỹ đạo sao Hỏa. Nhiệm vụ của TGO là tiến hành lập bản đồ các nguồn methane cũng như dấu vết các loại khí khác có trong bầu khí quyển nhằm làm bằng chứng cho hoạt động sinh học hoặc địa chất có thể có tại nơi đây. Nhưng ngày 16/10, khi tàu thí nghiệm Schiaparelli tách ra khỏi TGO để hạ cánh xuống Meridiani Planum thì bị rơi và vỡ nát trên bề mặt sao Hỏa.

Thực ra thì việc hạ cánh lần này là được thiết kế để thử nghiệm các công nghệ chủ yếu mới và an toàn cho chiếc xe tự hành sẽ được đưa lên trong giai đoạn hai của chương trình vào năm 2020. Được biết, giai đoạn hai của ExoMars đã được lên kế hoạch để khởi động vào năm 2020, với một nhiệm vụ khoa học dự kiến ​​sẽ kéo dài tới năm 2022 hoặc lâu hơn nữa.

Cho tới nay, sự hiện diện của khí methane trên bề mặt và trong bầu khí quyển của sao Hỏa cũng như các nguồn phát thải của khí vẫn còn là một bí ẩn. Tuy thực tế, từ trên quỹ đạo bay, TGO đã không tìm thấy dấu vết của khí, trái ngược với những kết quả thu được từ chiếc rover Curiosity vào tháng 6/2018, là có sự hiện diện của khí methane và các phân tử hữu cơ trên bề mặt hành tinh này. Cũng theo nhà vật lý thiên văn Jean-Loup Bertaux trong cuộc họp báo: “Chúng tôi không có lời giải thích nào cho sự mâu thuẫn này”.

Quay lại với vấn đề sự quan trọng của khí methane. Lý do vô cùng đơn giản: trên trái đất, methane chủ yếu được tạo ra bởi các sinh vật sống. Do đó, sự hiện diện của một loại khí như vậy trên bề mặt Hành tinh Đỏ có thể là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của các cơ chế sinh học tích cực hoặc là dấu vết của chúng nếu các khí này đã được tạo ra trong quá khứ, và nay vẫn bị giữ lại trong các túi ngầm dưới mặt đất chẳng hạn.

Hoặc nói một cách đơn giản hơn, ở đâu có sự hiện diện của khí methane, là nơi đó có sự sống. Và chúng ta đều biết, nếu phát hiện một hành tinh gần với chúng ta có sự sống, thì rõ ràng là điều đó quan trọng như thế nào!

Tuy nhiên, methane cũng có thể được tạo ra bởi phản ứng hóa học trong quá trình chế biến dầu mỏ, chưng cất khí than đá y như trường hợp của trái đất. Nghĩa là methane không chỉ có nguồn gốc từ thiên nhiên mà còn có nguồn gốc từ sự sinh hoạt của các sinh vật sống, và như vậy nếu là do từ nguồn gốc thứ hai này thì việc đi tìm sự hiện diện của methane trên sao Hỏa lại càng có ý nghĩa biết chừng nào.

Cập nhật: 16/04/2019 Theo khampha
  • 680