Bạn có biết đâu là loài động vật lớn nhất quả đất không? Chính là cá voi xanh!
Tất cả chúng ta đều có thể trả lời câu hỏi đó trong vòng một nốt nhạc. Với khối lượng cơ thể tương đương 15 chiếc xe bus chở học sinh, cá voi thực sự là loài sinh vật tráng lệ nhất trong số các loài sinh vật trên Trái đất.
Nhưng tại sao chúng lại to lớn đến vậy?
Loài động vật trên cạn có khối lượng nặng nhất là voi. Để tiện so sánh, một con cá voi xanh nặng tương đương khoảng 25 con voi trưởng thành. Đó là điều khiến nhiều người ngạc nhiên, và khiến chúng ta phải thắc mắc rằng tại sao các loài động vật trên cạn không thể đạt được cân nặng khủng như vậy? Đơn giản thôi: bởi trọng lực.
Trọng lực giới hạn chiều cao của hầu hết mọi thứ, và nếu quá to lớn, mọi sinh vật trên cạn sẽ tự ngã quỵ mà chết. Nếu các loài động vật trên cạn có khối lượng quá lớn, hệ thống trung ương của chúng sẽ không thể chống đỡ cho cân nặng, và chuyển động của chúng sẽ bị hạn chế rất nhiều. Tại sao cá voi không rơi vào tình trạng đó? Bởi chúng sống dưới nước. Lực nổi mà nước tạo ra sẽ bù lại lực hấp dẫn và cho phép loài cá voi sinh sôi và phát triển bình thường.
Cá voi có kích thước khổng lồ, vậy hãy hình dung cái xác của chúng mà xem! Khi bị đánh dạt lên bờ, chúng chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý và dò xét. Giả dụ bạn đang đi dạo trên bờ biển, và nhìn xa xa, bạn thấy một xác có voi bị đánh dạt lên bờ - sinh vật lớn nhất hành tinh đang ở ngay trước mắt bạn đó!
Đừng dại mà đến gần xác cá voi để chụp ảnh như này nhé.
Thế là bạn tò mò rút iPhone ra để chụp ảnh. Tuy nhiên, càng đến gần để có bức ảnh chân thực hơn, bạn càng nên thận trọng, bởi xác cá voi cực kỳ bất ổn định. Về cơ bản, khi quá trình tuần hoàn máu và hô hấp của cá voi ngừng lại, các tế bào và mô của nó sẽ bắt đầu phân hủy bởi các vi sinh vật vốn đã tồn tại trong cơ thể từ trước. Quá trình này sẽ sản sinh ra các loại khí ga khó chịu như methane, carbon dioxide, và nitrogen, làm áp suất bên trong cái xác tăng lên và khiến nó bắt đầu trương phồng, giống như một quả bóng bay chết khổng lồ vậy.
Dưới các điều kiện bình thường, những khí ga này sẽ thoát ra ngoài thông qua các lỗ, như miệng hay hậu môn. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra rằng khối lượng cơ thể của cá voi sẽ khiến mọi lỗ trên cơ thể nó bị khóa kín, và khí ga không còn đường thoát nữa.
Cuối cùng, đừng quên mỡ cá voi, vốn cũng đóng một vai trò trong câu chuyện này. Lớp chất béo dày bên dưới da cá voi khiến trình hình trở nên tồi tệ hơn. Mỡ cá voi không có lỗ, khiến khí ga gần như không thể thoát được. Khí ga làm xác cá voi ngày càng trương to hơn, và cuối cùng, một khi vượt ngưỡng áp suất thì… BÙM!
Một vụ nổ xác cá voi sẽ bắn các tảng thịt vào không khí với tốc độ 70 km/h, khiến chúng bay xa đến 50m. Có thể nói, đó là một vụ nổ cực kỳ nguy hiểm.
Xác cá voi bất ngờ phát nổ.
Sự cố nổi tiếng nhất xảy ra ở Đài Loan vào năm 2004, khi một xác cá voi được đưa từ bờ biển về phòng thí nghiệm để nghiên cứu thì đột ngột phát nổ ngay giữa một con phố nhộn nhịp. Ruột gan phèo phổi của chú cá xấu số bắn tung tóe lên người đi đường và các cửa hiệu – không từ ngữ nào diễn tả được sự kinh tởm trong trường hợp này!
Một sự cố khác xảy ra vào năm 1970 ở Oregon, Mỹ, khi một vài quan chức muốn rã xác cá voi bằng…thuốc nổ. Họ nghĩ rằng những mẩu thịt còn sót lại sẽ được bọn hải âu xử đẹp, nhưng đời không như mơ. Kể cả khi một cựu quân nhân khuyên rằng lượng thuốc nổ kia là quá nhiều, người ta vẫn kiên quyết với ý định cho nổ xác chú cá voi. Dù khu vực nửa dặm quanh cái xác đã sạch bóng người, những tảng thịt lớn như những cái bàn cà phê vẫn bay vèo vèo trong không khí, phá nát vài chiếc xe cách đó gần 2 dặm! Các quan chức đã phải bỏ ra suốt một tuần để dọn dẹp đống hổ lốn, và điều nực cười là một phần khá lớn của cái xác vẫn chẳng hề suy suyển sau vụ nổ.
Quá trình tích tụ khí ga có thể xảy ra với mọi sinh vật, nhưng kích cỡ cơ thể đóng vai trò khá lớn trong sự việc. Sinh vật càng lớn, khí ga tiết ra trong cơ thể càng nhiều, áp suất càng tăng cao, có nghĩa xác cá voi có khả năng nổ tung lớn hơn so với xác khỉ đột. Một con cá voi nặng gấp 300 – 1000 lần một con khỉ đột đấy!
Loài cá voi thường lặn dưới những vùng nước sâu vì nhiệt độ lạnh và áp lực thủy tĩnh cao, nhưng đôi lúc, thủy triều thay đổi, băng tan, và các nguồn thức ăn động khiến cá voi phải di chuyển và rời khỏi khu vực quen thuộc. Khi một con cá voi chết đi và chìm xuống, thường được gọi là "cá voi rơi", một hệ sinh thái tại chỗ phức tạp sẽ hình thành xung quanh nó. Đầu tiên, lũ cá mập sẽ cắn xé xác cá voi thành nhiều mảnh để thỏa mãn cơn đói, sau đó hệ thống xương sẽ thành nguồn thức ăn cho Osedax, một chủng sâu ăn xương có khả năng tiết acid lên xương, làm tiêu tan chất béo và protein. Có hàng trăm các sinh vật khác – cua, vi khuẩn, tôm, cá, sâu – hưởng lợi từ xác cá voi dưới đáy đại dương. Tin hay không tùy bạn, nhưng quy trình phân hủy này có thể mất đến hơn 3 thập kỷ!
Khi một con cá voi chết đi và chìm xuống, một hệ sinh thái tại chỗ phức tạp sẽ hình thành xung quanh nó.
Xét việc nhiều con cá voi bị đánh dạt lên bờ, việc chúng nổi lên xuất phát từ hợp chất khí ga hình thành trong xác và cặp phổi khổng lồ chứa đầy không khí bên trong. Những yếu tố đó khiến cá voi nổi lên, và tiếp tục nổi kể cả khi đã chết.
Vậy nên, nếu bạn đi ngang qua xác cá voi trên bờ biển, tốt nhất hãy giữ khoảng cách nhé, bởi bạn không bao giờ biết được áp suất bên trong cái xác đó ra sao đâu. Con quái thú khổng lồ có thể phát nổ bất kỳ lúc nào đấy!