"Tái sinh" cây sung dâu 300 tuổi bị đốn trộm chỉ còn trơ gốc

  •  
  • 2.859

Nửa năm sau khi bị chặt trộm chỉ còn trơ gốc, cây sung dâu 300 tuổi được UNESCO công nhận di sản vừa được các nhà khoa học "tái sinh".

Tháng 9-2023, nước Anh "rúng động" khi một thiếu niên 16 tuổi lén đốn hạ cây sung dâu Sycamore Gap lừng danh ở Vườn quốc gia Northumberland.

Cây Sycamore Gap được chụp ảnh nhiều nhất Vương quốc Anh
Cây Sycamore Gap được chụp ảnh nhiều nhất Vương quốc Anh - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Cây Sycamore Gap có tuổi đời khoảng 300 năm, nằm bên bức tường Hadrian do người La Mã xây dựng 1.900 năm trước, và được UNESCO công nhận di sản.

Cây càng nổi tiếng khi xuất hiện trong bom tấn "Robin Hood: Hoàng tử lục lâm" (1991), từ đó có biệt danh "cây Robin Hood". Các trang báo lớn ở Anh xem đây là cái cây được chụp ảnh nhiều nhất với hàng triệu lượt người đến thăm và chụp hình mỗi năm.

Khi bị đốn trộm, cây Sycamore Gap chỉ còn trơ gốc.

Ngay lúc cây đổ xuống, một người làm vườn địa phương Rachel Ryver ở gần đó đã hành động ngay. Ông trèo qua bức tường, tiến đến cây để thu thập những cành non có nụ. Đây là "nguyên liệu thô" quan trọng để ghép các bản sao di truyền.

Cây sung dâu

Cây sau khi bị đốn trộm
Cây sau khi bị đốn trộm - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Rachel nói không khí khô rất nhanh và sau khi cây chết, các bộ phận tách rời sẽ sớm hỏng nếu không "cấp cứu" kịp thời. Vài giờ sau, Rachel đã có mặt tại bưu điện Hexham để chuyển một túi gồm cành và một ít hạt giống đến Trung tâm Di sản National Trust.

Ngay khi nhận túi, nhà sinh vật học Chris Trimmer kiểm tra những thứ bên trong và làm sạch mẫu trong 5 phút. Nửa ngày sau, Chris đã ghép được 20 mẫu từ những gì còn sót lại của cây Sycamore Gap.

Chris ghép những cành sống có chồi của cây Sycamore Gap với rễ tươi của một cây cùng loài. Trong khi đó các hạt giống cũng được gieo tức thì. Các hạt giống được điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ kỹ lưỡng để tối ưu hóa khả năng nảy mầm.

Cây non được tái sinh
Cây non được tái sinh - (Ảnh: BBC)

Đến nay, các chuyên gia của National Trust đang chăm sóc 9 cây ghép còn sống sót và 40-50 cây con Sycamore Gap. Một chồi cây đã dài khoảng 10cm.

Phóng viên BBC vừa đến National Trust để trực tiếp ngắm nhìn những chồi non Sycamore Gap. Tại National Trust, vị trí của những chồi non này được giữ bí mật nhằm tránh nguy cơ chúng có thể bị phá hoại.

Ngoài ra, một nhóm nhà khoa học vẫn đang chờ đợi ở vị trí gốc cây cũ liệu có thể sinh ra chồi mới hay không. Sẽ mất khoảng 3 năm để biết kết quả.

Nếu gốc cây cũ không thể mọc chồi mới, một cây con Sycamore Gap đang được dưỡng tại National Trust sẽ được trồng thay thế. Những cây con còn lại, tùy vào điều kiện sinh trưởng có thể được trồng thêm ở các trường học hoặc một vài địa điểm công cộng.

Một ít giống vẫn sẽ được giữ tại National Trust.

National Trust - Nơi bảo tồn những cây siêu hiếm

National Trust là nơi bảo vệ các bản sao di truyền của một số loài thực vật và cây cối có giá trị nhất ở Anh.

Nơi đây đang có bản sao của cây táo mà Isaac Newton từng ngồi khi nghiên cứu lý thuyết về lực hấp dẫn, và một cây thủy tùng 2.500 năm tuổi từng chứng kiến chuyện tình của vua Henry VIII với nàng Anne Boleyn nổi tiếng những năm 1530.

National Trust bảo tồn các nguồn gene quý, bảo đảm những cây di sản của Anh vẫn sẽ tồn tại đặc biệt qua những biến cố như dịch bệnh, bão tàn phá hoặc bị tấn công.

Cập nhật: 13/03/2024 Tuổi Trẻ
  • 2.859