Cây biết đau khi bị cắt và rên rỉ khi không được tưới nước

  •  
  • 2.549

Nếu bạn làm đau một con vật, nó lập tức sẽ kêu lên. Thế còn thực vật, liệu chúng có cách biểu hiện sự đau đớn mà con người không hề hay biết?

Thực vật từ lâu đã bị nhiều người xem là thứ "vô tri", không tồn tại cảm xúc, cũng như sự sống cụ thể khi so sánh với động vật.

Tuy nhiên theo nhà sinh vật học Lilach Hadany đến từ Đại học Tel Aviv, Israel, thực vật có thể phát ra những tiếng kêu ở tần số siêu âm nằm ngoài phạm vi thính giác của con người. Đây chính là cách chúng truyền đạt cảm xúc, sự đau đớn của chúng với thế giới xung quanh.

"Thực tế là có những âm thanh mà tai người không thể nghe thấy bởi chúng nằm ở một tần số khác", Hadany lý giải. "Có những loài động vật có thể nghe thấy những âm thanh này. Minh chứng nằm ở cách chúng tương tác với nhau".

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Tel Aviv, Israel mới đây khám phá ra rằng, một số loài thực vật có khả năng phát ra một âm thanh thể hiện sự đau đớn ở tần số cao khi phải sống trong môi trường khắc nghiệt.

Nghiên cứu trên cây cà chua và cây thuốc lá của các nhà khoa học được thực hiện với khoảng cách 10cm. Họ cắt một số nhánh cây và không tưới nước trong vài ngày. Các nhà khoa học sau đó đã thu được 35 tín hiệu âm thanh trong một giờ từ những nhánh cây này.

 Các nhà khoa học thí nghiệm trên các nhánh cây cà chua và thuốc lá khi bỏ bê tưới nước trong vài ngày.
 Các nhà khoa học thí nghiệm trên các nhánh cây cà chua và thuốc lá khi bỏ bê tưới nước trong vài ngày. (Ảnh: iStockphoto).

Báo cáo thí nghiệm của các nhà khoa học thuộc Đại học Tel Aviv.
Báo cáo thí nghiệm của các nhà khoa học thuộc Đại học Tel Aviv.

Tổng hợp kết quả, các nhà khoa học phát hiện, những loại cây phát ra siêu âm từ 20-100 kilohertz. Theo trang Live Science, khi cành cà chua bị cắt, nghiên cứu chỉ ra rằng chúng phát ra 25 siêu âm trong một giờ trong khi cây thuốc lá chỉ phát ra 15 siêu âm.

Với thử nghiệm không tưới nước, cà chua phát ra những siêu âm thống thiết hơn với tần số 35 âm một giờ, trong khi thuốc lá là 11. Như vậy, với những điều kiện căng thẳng khác nhau, các loại thực vật phát ra những âm thanh khác nhau và khi không phải chịu đựng những căng thẳng bất chợt thì trong thời gian dài hơn, những âm thanh cũng ít đau đớn hơn.

Nhóm các nhà khoa học viết trong báo cáo: “Những phát hiện này có thể thay đổi cách chúng ta nghĩ về vương quốc các loài cây vốn được coi là sống trong im lặng cho tới bây giờ”.

Theo Hadany, thực vật vốn dĩ luôn tương tác với côn trùng và một số loài động vật khác theo những cách mà con người vẫn chưa thể nắm bắt. Giữa chúng giống như có một sợi dây liên kết, và sẽ hoàn toàn không tối ưu nếu như thực vật không phát ra âm thanh.

Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được sự thay đổi - hay "cảm xúc" của thực vật, như cách mà một số loại cây giải phóng mùi hương mạnh mẽ, thay đổi màu sắc, hình dạng.

Những thay đổi này nhằm báo hiệu mối nguy hiểm cho các cây khác ở gần đó, cũng như làm tăng khả năng phòng thủ của bản thân trước những mối lo từ môi trường.

Cập nhật: 04/04/2023 Theo VTC/Dân Trí
  • 2.549