Taj Mahal - Viên ngọc châu của đền đài Ấn Độ

  •   2,910
  • 19.581

Nếu như Agra là cả một vườn hoa đẹp của nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ thời Mogol, thì Taj Mahal không phải là lâu đài hay đền miếu, mà là lăng mộ vợ Hoàng đế Giahan - Hoàng hậu Argiuman Bano Begum. Lúc đầu, lăng có tên là Tat Bibica Rauza, nghĩa là nơi chôn cất Nữ hoàng của trái tim, sau này mới có tên là Taj Mahal, tiếng Ba Tư có nghĩa là Vương miện của người Mogol.

Lúc 19 tuổi, Agiuman Bano Begum trở thành vợ hai của Hoàng tử Guram (sau này là Sắc Giahan). Tuy là vợ hai, nhưng nàng Begum luôn luôn là người vợ được Hoàng tử Guram yêu quý nhất. Năm 1627, sau khi Guram lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Sắc Giahan (nghĩa là chúa tể thế giới) thì Mumtaz cũng trở thành Nữ Hoàng của Ấn Độ. Thế nhưng, cuộc sống phu thê của hai người đột nhiên bị đứt đoạn. Mùa xuân năm 1636, Mumtaz lâm bệnh qua đời. Trước khi chết, Bà hoàng yêu cầu Hoàng đế Giahan hứa xây cho nàng một lăng mộ xứng đáng với tình yêu và 19 năm chung sống của họ.

Cái chết của người vợ yêu quý làm Sắc Giahan vô cùng đau khổ. Ngài bắt tay luôn vào việc xây lăng mộ cho vợ như ngài đã hứa.

Lập tức, các nhà xây dựng nổi tiếng nhất được mời đến Agra để lập đề án xây lăng mộ Nữ Hoàng. Sắc Giahan đã chọn đề án của nhà kiến trúc người Ấn Độ là Istat Han Effendi làm theo mô hình các lăng tẩm của người Tuốc.

Nữ Hoàng Mumtaz

Một đội quân xây dựng khổng lồ gồm 24 ngàn người được thành lập. Các loại đá cẩm thạch đủ màu quý nhất được chuyển từ khắp các nơi tới Agra. Năm 1632, công trình tại Taj Mahal được khởi công xây dựng. Suốt 24 năm trời, 24 ngàn người thợ làm việc cực nhọc và đã tiêu tốn 40 triệu rupi.

Taj Mahal được xây dựng trên một khu đất rộng hình chữ nhật (dài 580 m, rộng 304 m), với cảnh quan ngoạn mục, hài hòa xung quanh. Kiến trúc chính của khu lăng là một tòa lâu đài đáy hình bát giác, xây bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ trên một nền rất cao. Sừng sững giữa trời xanh là một vòm tròn cẩm thạch trắng đồ sộ, uy nghi cao 75 m chung quanh còn có bốn vòm tròn nhỏ hơn. Ở bốn góc lại vươn lên bốn tháp nhọn cao tới 40 m. Trong lăng, có rất nhiều đường diềm chạm khắc bằng 12 thứ đá quý, trang trí theo phong cách truyên thống Ấn Độ.

Tại chính giữa gian phòng rộng lớn, sáng sủa ở tầng hai là hai chiếc quan tài bằng đá cẩm thạch màu hồng nhạt, được trang trí bằng các hoa văn thực vật và các hàng chữ Ả Rập rút từ Kinh Koran. Nhưng trong các quan tài này không có di cốt của người đã khuất. Hai quan tài ở tầng hai chỉ là tượng trưng cho những quan tài thật ở tầng dưới.

Theo quan niệm của Đạo Hồi, từ các quan tài thật, linh hồn người chết bay lên nhập vào các quan tài ở tầng trên, để từ đó, vượt qua vòm mái lên trời, tới ngai vàng vủa Thánh Allah (chữ Ả Rập viết al - Ilad). Di cốt Mumtaz và Giahan đặt trong hai quan tài ở tầng dưới.

Taj Mahal quả là đã được tạo nên bằng máu thịt và trí tuệ của người Ấn Độ và trở thành một trong những kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc nhân loại. Taj Mahal xứng đáng với tên gọi là Viên ngọc châu của những đền đài Ấn Độ hay Giấc mơ tiên hiện thành đá trắng.

H.T sưu tầm
  • 2,910
  • 19.581