Hàng trăm củ khoai tây giống nằm gọn trong lòng bàn tay, mỗi củ chỉ bé như hạt đỗ, nhưng lại cho năng suất rất cao. Đó là sản phẩm của Phòng công nghệ sinh học, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thịnh thuộc Phòng công nghệ sinh học cho biết, mỗi năm Việt Nam sản xuất hơn 10 triệu củ khoai tây giống, nhưng tỷ lệ củ giống mang mầm bệnh khá cao, năng suất lại thấp. Một số nước như Mỹ, Nhật đã kích thích giống cây trồng bằng phóng xạ, khiến hạt nảy mầm với tỷ lệ cao, sức sinh trưởng mạnh, dẫn đến tăng năng suất đáng kể. Tuy nhiên, chỉ những vật có kích thước bé như hạt bắp, hạt cải... mới có thể chiếu xạ.
Khoai tây trồng bằng giống tự nhiên thường cho năng suất không cao. (Ảnh: Meovathay)
"Làm sao cho củ khoai tây có kích cỡ tương đương hạt để có thể xử lý bằng phóng xạ?". Đó là nỗi trăn trở của tiến sĩ Thịnh và cộng sự. Họ đã trồng trong ống nghiệm những cây khoai tây có bản chất di truyền và sinh lý như nhau, sau đó kích thích sinh trưởng quần thể cây này bằng bức xạ gamma liều thấp. Rồi họ xử lý kỹ thuật để tạo ra củ khoai tây có kích thước cỡ hạt đậu xanh nhưng tiềm năng sống mạnh mẽ. Chúng có thể trồng thủy canh trên cát để tạo củ giống sạch bệnh, hoặc trồng trực tiếp ngoài đồng.
Củ khoai tây thường khi đưa ra nhân thì chỉ được 2,5 củ giống, trong khi sản phẩm siêu nhỏ trên cho đến 6,2 củ, đều không hề có bệnh. Nó còn có ưu điểm là khó bị tổn thương khi vận chuyển vì có lớp bao da bọc ngoài, có thể cất giữ khá lâu ở nhiệt độ thấp (4-6 độ C).
Anh Võ Khương (36 C Nguyễn Công Trứ, phường 8, Đà Lạt), người đã trồng thử củ giống khoai tây siêu nhỏ, cho biết, mỗi bụi khoai cho trung bình 1,3 kg củ, có bụi cho tới 1,5-2 kg. Năng suất tăng gần 2 lần so với khoai trồng bằng giống tự nhiên.