Tàu vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) gửi về ảnh chụp hệ thống hẻm núi Valles Marineris dài 4.000km trên sao Hỏa.
Vực thẳm Ius và Tithonium Chasmata thuộc hệ thống hẻm núi Valles Marineris đồ sộ trên sao Hỏa. (Ảnh: ESA/DLR/FU Berlin)
Tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp ảnh những đường nứt lớn trên lớp vỏ sao Hỏa - một phần của hệ thống hẻm núi Valles Marineris dài 4.000km. Hình ảnh chụp vào ngày 21/4 và được ESA công bố hôm 20/7, thể hiện rõ các khe vực Ius và Tithonium Chasmata ở phần phía tây của hệ thống hẻm núi.
Ius Chasma nằm phía bên trái, dài 840km, còn Tithonium Chasma ở bên phải và trải dài hơn 805km. Với độ sâu 7km, các khe vực gần như có thể nuốt chửng ngọn núi cao nhất trên Trái đất - đỉnh Everest. Trong khi đó, điểm sâu nhất của Grand Canyon, hẻm núi nổi tiếng ở Mỹ, chỉ là hơn 1,6 km.
Valles Marines là hệ thống hẻm núi lớn nhất Hệ Mặt trời. Nếu chuyển tới Trái đất, cấu trúc này sẽ trải dài từ miền bắc Na Uy đến Sicily ở phía nam Italy. Valles Marines dài gấp 10 lần, rộng gấp 20 lần và sâu gấp khoảng 5 lần hẻm Grand Canyon.
Hình ảnh mới làm nổi bật dấu vết lở đất, đụn cát tối màu, gò đất có kích thước như những ngọn núi bị gió làm xói mòn và các ụ đất nhỏ hơn có thể liên quan đến quá trình bay hơi nước diễn ra rất lâu trước đây.
Khác với Grand Canyon, Valles Marineris không phải do sông tạo ra. Một số bằng chứng về thời kỳ hệ thống hẻm núi này hình thành có thể quan sát được ở đáy vực Ius Chasma. "Khi tách ra xa nhau, các mảng kiến tạo dường như đã tạo ra những khối đá hình tam giác lởm chởm trông giống hàm răng cá mập. Qua thời gian, những cấu trúc đá này sụp xuống và xói mòn", ESA cho biết.
Valles Marineris là một cấu trúc thú vị không chỉ vì kích thước và vẻ ngoài. ESA đã tìm thấy bằng chứng về nước dạng băng ở đó. Trong tương lai, nếu có thể lên sao Hỏa, con người sẽ cần tận dụng những nguồn nước sẵn có trên hành tinh này, đặc biệt là khi muốn ở lại lâu dài.