Tên lửa NASA tạo mây như cực quang trên trời đêm

  •  
  • 176

Một vụ phóng dưới quỹ đạo vào cuối tuần trước đã tạo ra những đám mây màu tím và xanh lá cây tuyệt đẹp trên bầu trời bang Virginia, Mỹ.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tối 16/5 đã triển khai thành công sứ mệnh KiNET-X bằng tên lửa Black Brant XII từ Cơ sở bay Wallops ở bang Virginia, miền đông nước Mỹ. Thí nghiệm nhằm mục đích nghiên cứu về cách thức truyền năng lượng và động năng trong các hiện tượng quanh học khí quyển giống như cực quang giữa các vùng không gian khác nhau được kết nối bằng từ tính.

Thí nghiệm tạo mây phát sáng như cực quang của NASA.
Thí nghiệm tạo mây phát sáng như cực quang của NASA. (Ảnh: NASA Wallops).

Hình ảnh mới được NASA công bố trên Twitter cho thấy vụ phóng đã tạo ra những đám mây màu tím và xanh lá cây tuyệt đẹp trên bầu trời đêm, trong đó sắc tím hiển thị đậm hơn bình thường do nền trời đen phía sau.

Sứ mệnh KiNET-X bao gồm một tên lửa dưới quỹ đạo mang theo 7 trọng tải. Hai trong số đó đã giải phóng các đám mây hơi bari vào tầng trên của bầu khí quyển, trong khi 5 trọng tải còn lại là các thiết bị đo đạc để ghi lại kết quả nghiên cứu. Thí nghiệm diễn ra khoảng 10 phút sau khi phóng ở độ cao từ 349 đến 400km phía trên Đại Tây Dương.

Tên lửa Black Brant XII được phóng lên trong thí nghiệm KiNET-X.
Tên lửa Black Brant XII được phóng lên trong thí nghiệm KiNET-X. (Ảnh: Terry Zaperach/NASA Wallops).

"Sau khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời, hơi bari nhanh chóng bị ion hóa và chuyển sang màu tím", NASA cho biết trong phần mô tả sứ mệnh. "Các đám mây hình cầu là hỗn hợp của màu xanh lá cây và màu tím, nhưng giai đoạn đó chỉ kéo dài khoảng 30 giây trước khi thành phần không bị ion hóa khuếch tán đi".

Phần đám mây bị ion hóa (mang điện tích) gắn liền với các đường sức từ trong khu vực và kéo dài theo phương nghiêng. Trong khi đó, phần màu xanh lá cây (vùng trung tính) không bị ảnh hưởng bởi các đường sức từ nên lan ra nhanh và rộng hơn vùng bị ion hóa.

Ý nghĩa của thí nghiệm này vượt ra ngoài phạm vi Trái đất, vì các nhà khoa học cũng quan tâm đến sự tương tác giữa sao Mộc và mặt trăng Io của nó - vệ tinh có nhiều núi lửa hoạt động nhất trong Hệ Mặt trời. Hoạt động núi lửa của Io và từ quyển sao Mộc cùng nhau tạo ra một điểm cực quang lớn trên bầu khí quyển của hành tinh.

"KiNET-X giống như một mini-Io. Các đám mây hơi bari giải phóng từ hai trọng tải của tên lửa cũng tạo ra nhiễu từ trường và các electron có khả năng được năng lượng hóa. Thí nghiệm này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách năng lượng truyền đến các electron hay các hạt mang điện tích âm mà vụ phóng tạo ra", NASA nhấn mạnh.

Cập nhật: 20/05/2021 Theo VnExpress
  • 176